Đà Nẵng quyết tâm khắc phục tình trạng ngập đô thị

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, vấn đề ngập đô thị được lãnh đạo TP chỉ đạo quyết liệt. TP đã có chủ trương và quyết tâm triển khai thực hiện, từng bước khắc phục.

Dân tính chuyện bán nhà “chạy lụt”

Ngày 6/12, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng có buổi tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15. Tại đây, nhiều cử tri đại diện cho các khu dân cư trên địa bàn bày tỏ nỗi lo lắng về vấn đề ngập lụt đô thị Đà Nẵng.

Ngập đô thị đang là vấn đề cấp bách của Đà Nẵng. 
Ngập đô thị đang là vấn đề cấp bách của Đà Nẵng. 

Như đã phản ánh, ngập lụt đô thị đang là vấn đề “nóng” của Đà Nẵng thời gian gần đây. Vào giữa tháng 10/2022, Đà Nẵng mưa lớn chưa từng có và cả TP xảy ra trận ngập lịch sử, gây thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng. Đúng một năm sau, tháng 10/2023, Đà Nẵng lại ngập nặng. Tuy mức độ ngập năm nay không lớn như năm trước nhưng đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cho chính quyền TP trong việc đi tìm nguyên nhân và giải pháp chống ngập đô thị.  

Cử tri Huỳnh Sự cho biết, hai năm liên tiếp xảy ra ngập lụt đã gây thiệt hại lớn cho người dân TP Đà Nẵng, trong đó có phường Hòa Khánh Nam. Người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.

Đơn cử như đợt lụt giữa tháng 10 vừa qua, mưa lớn làm ngập hàng trăm nhà nhân tại phường Hòa Khánh Nam, có nơi ngập sâu hơn 1m. Khu vực rốn lũ đường Mẹ Suốt phải di dời hơn 5.000 người dân. Đây là số lượng người di dời lớn nhất cả miền Trung trong thời sân điểm này.

Ông Huỳnh Sự cho rằng, khu vực Mẹ Suốt là khu vực đô thị dự án Ga đường sắt đã được xóa quy hoạch hai năm vừa qua nên nhà dân không được sửa chữa. Hơn nữa, hầu hết nhà dân đều là nhà cấp 4 và nằm ở vùng trũng nên thường xuyên gặp phải tình trạng ngập nước nếu mưa lớn kéo dài.

“Liệu có năm thứ 3, thứ 4 sắp đến sẽ tái diễn tình cảnh này không? Một bộ phận người dân đã tính bán nhà để đi tìm chỗ ở khác nhằm tránh lụt xảy ra” – cử tri Huỳnh Sự nêu.

Cử tri Đà Nẵng nêu lo lắng về vấn đề ngập đô thị. 
Cử tri Đà Nẵng nêu lo lắng về vấn đề ngập đô thị. 

Từ thực tế trên, ông Sự kiến nghị chính quyền TP Đà Nẵng sớm có chủ trương đầu tư quy hoạch, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đồng thời có phương án chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu đô thị dự án Ga đường sắt trước đây, để người dân có điều kiện xây dựng nhà cửa phòng chống bão lụt.

Cũng bày tỏ nỗi lo lắng về vấn đề ngập lụt đô thị, cử tri Lê Văn Tuấn cho hay, hệ thống cống thoát nước của TP Đà Nẵng xây dựng đã cũ, chắp nối, tắc nghẽn nên mỗi khi có mưa là ngập do nước không thoát được. Tình trạng này không chỉ Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác cũng đối diện.

Từ đó, cử tri Tuấn nêu ý kiến: “Các cơ quan chức năng nên cử cán bộ đi khảo sát, kiểm tra lúc trời mưa to, nước ngập thì mới có phương án để khắc phục tối ưu nhất. Còn nếu ngồi trên bàn mà đề xuất thì nước vẫn không biết đường chảy ra sông, ra biển”.

Ngập lụt cần phải được khắc phục và xử lý

Phát biểu với cử tri quận Liên Chiểu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định, vấn đề ngập lụt được lãnh đạo TP chỉ đạo quyết liệt. HĐND TP đã có giám sát, tổ chức thảo luận và đã có báo cáo về ý kiến của các chuyên gia. “Thực trạng này cần phải được khắc phục và xử lý” – ông Quảng nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu với cử tri quận Liên Chiểu.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu với cử tri quận Liên Chiểu.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, do biển đổi khí hậu khiến hạ tầng đô thị của TP Đà Nẵng không thể đáp ứng được khi thời gian qua xuất hiện các đợt mưa lớn, đó là chưa kể đến nguyên nhân xây dựng trái phép. Ngoài ra, địa bàn quận Liên Chiểu hiện có vùng lõm và khu vực sân bay có một số hồ điều tiết rất lâu không được nạo vét.

Ông Quảng cho biết, lãnh đạo TP đã làm việc với Quân chủng Phòng không - Không quân tiến hành nạo vét các hồ điều hòa trong sân bay để điều tiết nước khi mưa lớn.

“TP đã có chủ trương và quyết tâm triển khai thực hiện, từng bước khắc phục. Còn nếu bây giờ làm đòi hỏi hiệu quả ngay lập tức thì không thể đáp ứng được bởi vì còn rất nhiều vấn đề phức tạp. Tôi xin khẳng định đây là một trong những chủ trương, quyết tâm của TP trong việc khắc phục tình trạng ngập lụ” - ông Quảng khẳng định thêm.

Đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Trả lời cụ thể ý kiến cử tri, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Lê Văn Tuấn cho biết, nguyên nhân ngập lụt có cả khách quan và chủ quan. Đơn cử một số dự án, công trình chưa thể thi công hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng; một số công trình đã thi công hoàn thành nhưng chưa bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý, kéo dài thời gian do thủ tục pháp lý, dẫn đến cống thoát nước không được nạo vét thường xuyên…

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn trong thời gian gần đây, tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm TP. Một nguyên nhân nữa là tình trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, nhất là khu vực quy hoạch ga đường sắt cũ (phường Hòa Khánh Nam và phường Hòa Minh).

Về giải pháp xử lý ngập lụt, ông Tuấn cho biết, trước mắt, TP sẽ thực hiện phương án như thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt tại những khu vực dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường trung tâm TP bị ngập úng cục bộ. Các khu vực dân cư thấp trũng sẽ chuẩn bị máy bơm di động để xử lý kịp thời…

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Lê Văn Tuấn trả lời ý kiến cử tri.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Lê Văn Tuấn trả lời ý kiến cử tri.

Về lâu dài, trong quá trình lập đồ án quy hoạch phân khu, Đà Nẵng ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết.

Đồng thời, rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch quản lý và phát triển hệ thống thoát nước TP ngay sau khi quy hoạch chuyên ngành cao độ nền và thoát nước mặt; quy hoạch thoát nước thải được UBND TP phê duyệt.

Cũng theo ông Tuấn, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải xây dựng kịch bản ứng phó ngập úng đô thị nhằm tăng cường tính chủ động trong công tác ứng phó, khắc phục tình trạng ngập úng khi xảy ra mưa lớn.