Dài hạn và cụ thể

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tư duy làm kế hoạch cho từng năm, chạy theo biến động của thị trường, làm quy hoạch trong ngắn hạn, dựa trên những số liệu tổng hợp chung chung… mặc dù đã và đang được khắc phục, song tại buổi làm việc với Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn.

Xây dựng một tầm nhìn dài hạn, đưa ra một thiết kế tốt nhất khi mà nguồn lực vẫn còn eo hẹp là bài toán lớn được Thủ tướng đặt ra cho Bộ KH&ĐT trong thời gian tới.
 Ảnh minh họa
Thực tế thời gian qua, đặc biệt trong năm 2016 đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong xây dựng kế hoạch khi chuyển từ ngắn hạn sang trung và dài hạn. Các bộ, ngành, địa phương cũng vì thế bước đầu làm quen với việc tự chịu trách nhiệm, phải cân nhắc thận trọng hơn khi xem xét, phê duyệt các dự án, đề án phát triển của ngành, địa phương mình. Điều này từng bước khắc phục tình trạng bộ, ngành, địa phương đua nhau phê duyệt kế hoạch, đề án, dự án, nếu thiếu vốn lại xin ngân sách T.Ư; quy hoạch hạ tầng không theo kịp với số dự án được phê duyệt; tình trạng tô hồng dữ liệu, địa phương nào cũng tăng trưởng đạt và vượt chỉ tiêu nhưng con số thống kê chung của cả nước lại thấp hơn mức chỉ tiêu mà Quốc hội giao…
Được đánh giá là kiến trúc sư trưởng của nền kinh tế, Thủ tướng đặt nhiều kỳ vọng sẽ có nhiều ý tưởng đột phá về cải cách, tham mưu những chính sách khơi nguồn cho sự phát triển. “Phải đổi cách làm, đổi mới tư duy. Đổi mới là khó nhưng không đổi mới cách làm, đổi mới tư duy, tiếp tục tinh thần bao cấp, quan liêu là chết” – Thủ tướng nhấn mạnh đến cách làm kế hoạch trong thời gian tới. Cụ thể ở đây, việc lập kế hoạch, quy hoạch đòi hỏi phải đi trước một bước, phải trên tinh thần kiến tạo, không phải tiện cho việc quản lý, kiểm soát, kìm hãm, tạo cơ hội xin - cho. Tư duy làm kế hoạch phải dựa trên các quy luật của nền kinh tế thị trường. “Khi thị trường đã là một nhà lập kế hoạch rất tài ba, chức năng của ngành KH&ĐT là lập kế hoạch cho Nhà nước chứ không phải lập kế hoạch thay cho thị trường” – đó là yêu cầu được Thủ tướng đề cập.
Nhắc lại 3 nút thắt của nền kinh tế là hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực, Thủ tướng nhấn mạnh, tháo gỡ nút thắt thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT thời gian tới bởi muốn tăng trưởng trước hết phải giải phóng nguồn lực còn rất lớn trong dân, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh, tạo sức tăng trưởng cho nền kinh trong quá trình hội nhập. Và ở chiều ngược lại, thành tích tăng trưởng đó phải được thể hiện cụ thể trong việc nâng cao đời sống mỗi người dân.