Đại hội Công đoàn XVI và những kỳ vọng mang lại nhiều quyết sách

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều đại biểu mong rằng Công đoàn Thủ đô sẽ đi sâu, đi sát, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ở Đại hội Công đoàn TP XVI.

Đại hội XVI Công đoàn TP nhiệm kỳ 2018 - 2023 diễn ra tại Cung văn hóa lao động Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội) từ ngày 23-25/4. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và ý chí vươn lên của cán bộ, đoàn viên Công đoàn Thủ đô. Đại hội lần này được đông đảo CNVCLĐ quan tâm và kỳ vọng sẽ mang lại nhiều quyết sách để Công đoàn (CĐ) hoàn thành tốt vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động (NLĐ).
ĐB Hoàng Thị Hòa (Giám đốc Trung tâm phát triển cây trồng Hà Nội):
Quan tâm hơn đến lĩnh vực của đoàn viên ngành Nông nghiệp
Là một trong những công đoàn viên của ngành Nông nghiệp, tôi mong muốn, ĐH sẽ bầu được BCH CĐ TP khóa mới, thực hiện các chủ trương chăm lo, đời sống công đoàn viên của TP Hà Nội. Đặc biệt, đưa những vấn đề đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội phát triển cùng TP Hà Nội cũng như xu hướng đổi mới tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Rất mong LĐLĐ TP sẽ quan tâm hơn đến lĩnh vực của cán bộ, công đoàn viên ngành Nông nghiệp, đặc biệt là ngành Thủy lợi cũng như các ngành phát triển về nông nghiệp. Trong đó, lưu ý xu hướng nông dân ứng dụng công nghệ cao cũng như tái cơ cấu ngành và đẩy mạnh tỷ trọng nông nghiệp lên cao.
Thông qua LĐLĐ TP khóa mới sẽ có những tiếng nói để bảo vệ quyền lợi NLĐ, đặc biệt là ngành Thủy lợi để người CN hoàn thành được nhiệm vụ và đáp ứng được vấn đề an sinh xã hội. Trong đó, cần chăm lo về đời sống tinh thần, đảm bảo mức lương… để NLĐ yên tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ của TP giao.
 
 Quang cảnh Đại hội.

ĐB Trịnh Tố Tâm-Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội:
Tổ chức công đoàn sẽ tạo ra quan hệ lao động mới khi Việt Nam tham gia hiệp định CPTPP
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được đại diện 11 nước thành viên ký kết, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, tôi hy vọng, tổ chức CĐ sẽ tạo ra quan hệ lao động mới và sẽ đề ra được chương trình hành động để làm tốt hơn công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ.
Với tổ chức công đoàn Y tế, thời gian tới, các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thực hiện Nghị định 16, triển khai công tác tự chủ. Nên mong nhận được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cũng như tổ chức CĐ để công tác tự chủ của các đơn vị sẽ ít ảnh hưởng nhất đến đời sống, việc làm, thu nhập của NLĐ ngành Y tế.
Đặc biệt, tôi mong muốn các cấp lãnh đạo đơn vị cũng như CĐ cơ sở tham mưu cấp ủy, chuyên môn, để có những biện pháp cụ thể, đề xuất với cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm đưa ra những biện pháp cụ thể bảo vệ an ninh, an toàn cho cán bộ y tế  khi thực hiện khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế.
ĐB Bùi Thị Thu Hiền-Phó trưởng phòng giáo dục của huyện Thanh Oai:
Tăng hỗ trợ lương và giờ trực trưa cho các cô giáo mầm non
Là một ĐB đại diện cho giáo viên khối mầm non, tôi mong muốn, BCH Công đoàn khóa mới đề xuất tăng hỗ trợ lương và giờ trực trưa cho các cô mầm non. Thực tế cho thấy, một ngày làm việc của các cô giáo mầm non rất dài, vất vả nhất là thời gian nghỉ trưa, vừa cho các con ăn, vừa trông các con ngủ. Trong khi đó, mức thu chế độ chăm sóc buổi trưa là 150.000/cháu và hiện nay, các cô chỉ được hưởng 800.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng. Còn đối với các cô nuôi của mầm non, mức lương rất thấp (hưởng theo hệ số trung cấp nhưng không được phụ cấp 35% hỗ trợ như giáo viên) nên mong muốn có thêm hỗ trợ để các cô nuôi yên tâm công tác.
ĐB Phan Thanh Hải – Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam:
Cần quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân
Vừa là Chủ tịch CĐCS vừa là người đại diện cho NLĐ, tôi mong muốn thay đổi các vấn đề liên quan đến chế độ cho NLĐ. Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, có nhiều thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến những NLĐ. Hiện tại, NLĐ của các DN và khu CNCX, đa phần là ở trọ, thuê nhà. Việc này có ảnh hưởng lớn về nhà ở, những vấn đề liên quan đến điện, nước, đặc biệt hơn là việc giáo dục cho thế hệ tương lai. NLĐ trong khu CN, đa phần là gửi trẻ tại các nhà trẻ ở địa phương hoặc những người già đã về hưu. Với những người có cơ hội gửi trẻ công lập sẽ có sự an toàn nhất định. Nhưng với những cháu gửi ở nhóm nhỏ những người già đã về hưu trông nom thì sự chăm sóc và giáo dục sẽ kém và hạn chế hơn. Nên tất cả những vấn đề này còn rất nhiều khó khăn, bất cập.
Về vấn đề nhà ở, cho đến nay, chưa có dự án nhà mà NLĐ có thể dễ dàng tiếp cận được, có thể về chính sách cho vay vốn hoặc những dự án còn rất ít. Với Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam đã có khu nhà ở cho CN nhưng chỉ dành cho những CN trẻ (độc thân), với tỷ lệ CN ở 700/4.000 phòng nên không thể đáp ứng nhu cầu nhà ở của CN. Nếu đáp ứng về bữa ăn ca, lương, chính sách hay phúc lợi thì CĐCS có thể thu xếp được nhưng về những chính sách lớn, rất mong qua ĐH Công đoàn cùng  lãnh đạo của TP các ban, ngành và đặc biệt là T.Ư thực sự quan tâm để mang lại quyền lợi ích chính đáng cho NLĐ.