Đám cưới không tình yêu

Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một buổi chiều cuối năm, nắng vàng đang dần tắt trên những mái nhà của khu phố nhỏ, nơi tôi đang làm phòng mạch. Chuông điện thoại vang lên ba lần, bác bệnh nhân già nhắc tôi: Bác sĩ nghe điện thoại đi, tôi chờ cũng được.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giọng người đàn ông đầu dây bên kia vừa trịnh trọng vừa cầu khẩn:

- Ngày mai ông đi dự đám hỏi của tôi nhé!

Tôi ngạc nhiên đến sững sờ, không phải vì tôi không nhận ra giọng nói của người bạn nối khố của một thời sinh viên mà vì tôi không tin vào tai mình. Tôi hỏi lại: “Đám hỏi ông à?”.

- Thì đám hỏi của tao chứ đám hỏi của ai?

- Nhưng ông mới lấy vợ năm ngoái cơ mà?

- Chuyện đó xưa rồi diễm ơi. Mình đã ly dị vợ hai tháng trước.

Không thực sự hài lòng về anh bạn, nhưng tám giờ tối hôm sau, tôi cũng gọi điện thoại di động cho anh và chỉ sau 20 phút, chúng tôi đã có mặt ở Tiên Tửu Quán. Sau vài tuần, chúng tôi đàm đạo với nhau về cuộc hôn nhân lần thứ 4 của ông bạn nối khố từ thời còn để chỏm.

Trước khi kể cho các bạn về cuộc “tửu đàm” ngày hôm đó, tôi xin được phép kể một chút về người bạn nối khố này.

Anh bạn và tôi cùng học trường Ngô Sĩ Liên ngoài Hà Nội. Cả hai đều có hoàn cảnh giống nhau: Cha Nam, mẹ Bắc. Bạn vào miền Nam trước tôi hai tháng, cùng thi đậu đại học. Ngày đi thi đại học cả hai ngồi chung một phòng. Trong suốt thời gian học đại học, chúng tôi như cặp bài trùng và cũng có rất nhiều người yêu, tuổi trẻ mà. Ra trường tôi được giữ lại làm giảng viên, một nghề mà ngay từ bé tôi chưa hề một lần nghĩ đến. Còn bạn tôi về làm công ty.

Lần anh lấy vợ đầu tiên, tưng bừng rộn rã, hai năm sau một bé gái ra đời và hai năm sau nữa cuộc ly dị đầu tiên diễn ra. Tôi cũng không dám hỏi nguyên nhân. Trong một buổi tiệc, sau vài tuần rượu anh thanh minh với tôi: “Không có tình yêu! Tao lấy vợ mà không có tình yêu”. Tôi nghe và mỉm cười thông cảm.

Sáu tháng sau, một phiếu báo tin và một tờ giấy mời: Bạn tôi lấy vợ lần thứ hai, đám cưới chỉ có năm bàn, cũng rộn ràng băng nhạc, cũng xe hoa lộng lẫy. Bạn bè chỉ có một vài người. Tôi đến dự một mình, vợ tôi không chịu đi. Cô vợ hai của anh trẻ hơn anh 10 tuổi, ai cũng chúc mừng cho bạn tôi lấy được vợ trẻ, “sướng nhé, chồng già vợ trẻ là tiên”.

Sau đám cưới, cô dâu chú rể khăn gói quả mướp về nhà trọ. Từ đó đến ngày ly dị lần hai là ba năm, tôi chưa hề thấy mặt vợ bạn tôi và đứa con thứ hai. Bạn tôi lại thanh minh, mặc dù không ai hỏi: “Không có tình yêu, tao lấy vợ vì có người giới thiệu”. Lần đầu tiên tôi gặp vợ bạn lại chính là ngày họ ra tòa, cô vợ trẻ bế đứa con mới một tuổi, gương mặt buồn bã nói với tôi em không biết làm gì để nuôi cháu.

Một năm sau, lại đám cưới, chỉ có hai bàn tiệc trong một nhà hàng nhỏ, cô dâu cũng còn rất trẻ, nghe đâu làm công nhân một xí nghiệp may mặc nào đó. Gương mặt cô rất mãn nguyện và tràn trề hạnh phúc, lấy được chồng kỹ sư mà. Sau đám cưới lại tiếp tục nhà trọ... Lại một đứa trẻ ra đời, rồi một người mẹ trẻ ôm con trước tòa.

Cô vợ thứ tư của anh là người mà tôi biết trước duy nhất trong số những người vợ của anh. Cô mới hai mươi tuổi thi đại học hai lần rớt, đang học nghề thư ký. Cô còn trẻ, gương mặt hơi buồn. Họ quen nhau cũng khoảng ba năm trước khi người vợ thứ ba của anh đang mang bầu.

Một ngày, tôi đang ở nhà, một cú điện thoại của bạn tôi tha thiết mời ra quán cây gòn làm vài ly. Một chai rượu ngon được bạn tôi mang theo. Nhìn chai rượu, tôi mừng thầm: “Hôm nay mình được tổ đãi rồi, chai rượu ngon lắm”. Tuy nhiên, tôi đã mừng hụt chẳng có ly rượu nào được rót ra cả. Sau vài chai bia, anh thông báo: “Hôm nay được bố vợ tương lai mời đến tiếp kiến, hơi lo nên phải làm trước vài chai để lấy khí thế. Còn chai rượu là để ra mắt bố vợ”.

Năm ngày sau bữa rượu, ngay lễ Noel, tôi mời bạn ra Tiên Tửu Quán. Bạn cầm ly bia mời người yêu và luôn tay gắp thức ăn đưa lên tận miệng cho người vợ trẻ sắp cưới. Nhìn cảnh tượng này, tôi thầm nghĩ: “Không biết đến hôm nào, liệu tôi lại được nghe điệp khúc “không có tình yêu” rồi chứng kiến cảnh đưa nhau ra tòa nữa không đây?”.