Đạo làm con cho tròn chữ hiếu

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong xã hội hiện đại, các gia đình trẻ không hoàn toàn thờ ơ với chữ hiếu. Tuy nhiên, sống trong xã hội hiện đại, chữ hiếu của các gia đình trẻ đối với bố mẹ giờ đây cũng khác.

Nhiều người cho rằng, hiện không ít người làm con, cháu ít có thời gian để quan tâm, chăm sóc, thậm chí ăn với bố mẹ, ông bà một bữa cơm đầm ấm, hay ở bên cạnh lúc ốm đau. Họ thường chọn giải pháp thuê... dịch vụ báo hiếu hoặc “gửi” bố mẹ cho người giúp việc. Đồng thời, trong thời buổi coi trọng chủ nghĩa cá nhân, những căn hộ nhiều phòng, không gian bị chia nhỏ cũng là một lý do ngăn cách sự sum vầy.
 Ảnh minh họa.
Trẻ con thì chơi điện tử, người lớn cũng có nhiều thú tiêu khiển, chỉ có những người già là cô đơn trong thế giới của mình. Nhiều gia đình trẻ hiện tất bật với mưu sinh, với chuyện mua nhà, mua ô tô mà quên mất rằng, còn một chữ hiếu phải đáp đền bố mẹ. Một người kể: “Có bố mẹ ở xa, vợ chồng anh một năm về thăm đôi ba lần. Khi bố mẹ nhớ cháu, ra thăm thì vợ chồng con cái lại bận rộn nên chẳng thể chu đáo với bố mẹ. Nhiều khi nghĩ đến chữ hiếu ngày nay quả cũng thay đổi nhiều. Mình chẳng còn chu đáo như các cụ xưa kia”.
Nhưng nhiều người cho rằng, chúng ta có rất nhiều cách để thể hiện chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ. “Nhà có mẹ ở cùng nên vợ chồng luôn phải cố gắng trong cách cư xử để được trong ấm ngoài êm. Nhiều khi công việc mình bận rộn, nhưng cũng phải dạy con cái về cách đối xử với ông bà. Đứa con 6 tuổi của tôi mỗi buổi tối trước khi đi ngủ luôn vào phòng tắt điện cho bà, chúc bà ngủ ngon. Khi bà đau nhức xương thì biết xoa dầu đấm bóp. Những cử chỉ tuy nhỏ nhưng tôi nghĩ chữ hiếu đang được nuôi dưỡng từng ngày”, một người chia sẻ.

Cuộc sống ngày càng bận rộn hơn, mưu sinh cũng mệt nhọc hơn nên tạo cảm giác gấp gáp mệt mỏi cho mỗi gia đình trẻ. Trong thời đại của chủ nghĩa tiêu dùng, sự báo hiếu về vật chất được thể hiện nhiều hơn. Rồi cuộc sống tất bật khiến nhiều người không có thời gian chăm sóc bố mẹ. Họ chỉ còn biết khóc thật nhiều, làm đám tang thật lớn như một sự an ủi, ăn năn khi bố mẹ ra đi. Sự hiếu thuận... muộn màng ấy ngày càng phổ biến. Không ít câu chuyện đau lòng về sự hiếu thuận của con cháu thời nay, nhưng đáng mừng vẫn còn đó những bông hoa đẹp đời thường, lung linh hiếu nghĩa.

Một người đàn ông lớn tuổi chia sẻ, dù bận rộn đến đâu, một năm, ông đều dành hơn một tháng để về quê, tự tay nấu những món ăn mẹ thích, trò chuyện và đưa mẹ đi chơi. Các anh em của ông dù ở xa hay gần đều thu xếp công việc để luân phiên nhau và bao giờ cũng phải ít nhất một người có mặt bên cạnh bà cụ thân sinh. Ông tâm sự: “Nếu thuê người, thuê dịch vụ chăm sóc thì nhiều gia đình thừa sức, nhưng điều đó có làm bố mẹ họ sống vui vẻ những ngày cuối đời không?”.

Khi nói về chữ hiếu, nhiều người trẻ cũng ý thức được rằng họ chưa làm tốt. Bởi khi họ có công việc ổn định, đồng lương kha khá, họ cũng nghĩ đến sắm sửa đồ đạc trong nhà, mua cho bố mẹ cái này, cái kia. Dù như thế cũng được coi là có hiếu, nhưng thực tế, có thể bố mẹ họ tự hào, vui vì những điều con cái làm nhưng điều bố mẹ cần nhất chính là sự gần gũi, quan tâm, chăm sóc của con cái thì họ lại không làm được.

Nhiều nhà tâm lý cho rằng, bên cạnh đó sự phân tầng thế hệ trong một gia đình cũng thể hiện rõ nét. Làm sao dung hòa mối quan hệ giữa nhiều thế hệ sống chung với nhau để gia đình luôn thuận hòa yên ấm. Các nghiên cứu về gia đình và các giá trị truyền thống đã chỉ ra rằng, chữ hiếu về bản chất phải xuất phát điểm từ tình cảm của con người. Trước hết phải xuất phát từ tình cảm yêu thương, quan tâm, trách nhiệm và cách giáo dục của bố mẹ đối với con cái. Giúp con cái thẩm thấu, cảm nhận và trân trọng những giá trị đích thực của mối quan hệ huyết thống. Nếu như chữ hiếu thời xưa mang nặng tính áp đặt, lễ nghi thái quá và cực đoan thì chữ hiếu hiện đại cần đi sâu vào gốc rễ, xây dựng tình cảm trong gia đình dựa trên tinh thần bình đẳng và dân chủ, sẻ chia, tâm lý.

Làm cha, làm mẹ, ai cũng muốn được con cái chuyện trò, hỏi han. Vật chất thì người già chẳng có nhu cầu gì nhiều, tinh thần mới là điều quan trọng. Nhưng thực tế vẫn có những gia đình con cái đông đủ nhưng bố mẹ lại ở với người giúp việc, hoặc mỗi tháng họ gửi cho bố mẹ ít tiền coi như đã làm xong phận sự báo hiếu. Nhưng đối với các bậc làm cha, làm mẹ, tiền không phải là tất cả...