Đặt mục tiêu để ngăn chặn... ngựa quen đường cũ

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giáo dục, ngăn chặn tệ nạn mại dâm, Hà Nội đã đặt ra những mục tiêu và những con số cụ thể cho việc xử phạt.

Ông Phùng Quang Thức - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội khẳng định, việc xử phạt là để ngăn chặn "ngựa quen đường cũ".
Xuất phát từ đâu mà ngành LĐTB&XH tham mưu cho TP đặt ra chỉ tiêu kiểm tra, xử phạt 500 lượt người bán dâm, thưa ông?
- Đây là con số lấy cơ sở từ thực tế công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội. Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS, mại dâm và ma túy TP đã đặt ra những chỉ tiêu rất cụ thể trong năm 2017 là triệt phá 200 vụ liên quan hoạt động mại dâm, kiểm tra và xử lý hình sự 150 vụ, xử phạt hành chính 500 lượt người bán dâm. Riêng chỉ tiêu xử phạt 500 lượt người bán dâm xuất phát từ việc kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng từ cấp xã, phường, quận, huyện, TP phát hiện ra những vụ án, hoạt động liên quan đến mại dâm. Với chỉ tiêu triệt phá 200 vụ liên quan đến hoạt động mại dâm, đặt ra chất lượng kiểm tra phải phát hiện được. Đó chính là chất lượng của giám sát để đi đến mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn được hoạt động mại dâm đang diễn ra trên địa bàn TP.
Vậy để đạt chỉ tiêu, Hà Nội có những giải pháp nào?
- Trước hết, các cơ quan Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm của quận, huyện, xã, phường tăng cường chỉ đạo, kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm, thì xử lý nghiêm bằng những quyết định cụ thể. Nếu phạm tội hình sự, nhất thiết phải đưa ra xét xử, đối tượng vi phạm hoạt động mại dâm thì xử phạt theo Luật Xử phạt hành chính. Xử phạt để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, không cho phép hoạt động mại dâm tồn tại. Xử phạt ở đây là để giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa để người ta không tái phạm vào con đường mại dâm.
Nhiều người bán dâm có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, Chi cục có đề xuất gì giúp họ tìm được việc làm để không quay trở lại con đường cũ?
- Thực tế,  nếu người mới vi phạm hành chính về hành vi mại dâm, khi bị cơ quan chức năng xử lý họ sẽ tự lựa chọn lối đi khác để không vi phạm tiếp, đây cũng là mặt tích cực của công tác xử phạt. Tuy nhiên với những người có hoàn cảnh mà vẫn tiếp tục hoạt động mại dâm, thông qua việc xử lý vi phạm, có thể nắm bắt được thông tin của họ. Từ đó, chính quyền địa phương, tổ chức xã hội sẽ tiếp cận, tìm cách giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.
Hà Nội đã cập nhật được bao nhiêu đối tượng mại dâm vào phần mềm quản lý đối tượng xã hội của TP, thưa ông?
- Tháng 3/2016, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp với Công an TP, các quận, huyện cập nhật những người bị xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến hoạt động mại dâm. Hiện nay đã có 60 trường hợp được cập nhật vào hệ thống phần mềm này. Thời gian tới, để phục vụ cho công tác quản lý lâu dài, ngoài xử phạt hành chính, người bán dâm, thông qua phần mềm quản lý các đối tượng xã hội, chúng tôi sẽ theo dõi, đánh giá những người có tần suất vi phạm lặp lại. Trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ cần thực hiện để giúp họ hoàn lương.
Chỉ tiêu xử lý vi phạm hành chính 500 lượt người bán dâm đã đặt ra, rất có thể sẽ không hoàn thành vì còn phụ thuộc vào tình hình thực tế?
- Việc đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống mại dâm là các địa bàn trong sạch, lành mạnh không có hoạt động này. Các chỉ tiêu cụ thể chỉ là để triển khai thực hiện mục tiêu này. Vì vậy nếu khi đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu xử phạt hành chính đối với người bán dâm, cần xem xét đánh giá thêm các chỉ tiêu khác: Triệt phá các vụ án liên quan đến mại dâm, số vụ án đưa ra xét xử, số lượt kiểm tra hành chính và tình hình phức tạp tại các điểm mại dâm công cộng, trong cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Nếu địa bàn có kết quả tốt mà kiểm tra xử lý không đạt chỉ tiêu thì vẫn được đánh giá tốt. Chứ không phải chỉ riêng chỉ tiêu này không đạt thì đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
Xin cảm ơn ông!