Đất nước thiên tai bậc nhất tìm nguồn nước trên Mặt Trăng

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp bước Ấn Độ, Nhật Bản lên kế hoạch phóng hai tàu LUPEX và SLIM nhằm tìm kiếm nguồn nước trên Mặt Trăng.

Ngay sau khi tàu vũ trụ Chandrayaan-3 của Ấn Độ đáp thành công xuống Mặt Trăng, Nhật Bản gấp rút chuẩn bị phóng tàu Đổ bộ Thông minh phục vụ Nghiên cứu Mặt Trăng (SLIM), dự kiến vào ngày 28/8 nhưng bị hoãn do thời tiết xấu.

Nhật Bản hoãn phóng tàu SLIM vì lý do thời tiết. Nguồn: Asia Times
Nhật Bản hoãn phóng tàu SLIM vì lý do thời tiết. Nguồn: Asia Times

Nước này cũng dự định phóng tàu Thám hiểm vùng cực Mặt Trăng (LUPEX) vào năm 2025. Tàu LUPEX có sự hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ cùng với sự tham gia của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nguồn nước trong khu vực mà tàu đổ bộ Vikram của Chandrayaan-3 và tàu thăm dò Pragyan đang khám phá.

Theo vài nguồn tin, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đề xuất phóng tàu thám hiểm này nhằm thu thập dữ liệu về nguồn nước trên Mặt Trăng, phục vụ cho việc khai thác và sử dụng trong tương lai.

Dữ liệu của JAXA trong vài năm gần đây cho thấy có nguồn nước ở các vùng cực của Mặt Trăng. Cụ thể,  vùng bị che khuất hoàn toàn (PSR), nơi không nhận được ánh sáng mặt trời ở các cực Bắc và Nam của vệ tinh này, được cho là có tồn tại nước do tài nguyên này không bị bốc hơi. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn là ẩn số.

Để giải đáp bí ẩn này, vào tháng 1/2020, JAXA đã thành lập nhóm tiền dự án thám hiểm vùng cực Mặt Trăng với một vài mục tiêu như: xây dựng kế hoạch quản lý cho các tàu hợp tác với ISRO - dự án ra đa chung giữa Mỹ và Ấn Độ, phối hợp với ISRO điều tra hệ thống tàu vũ trụ và nhiều thông số kỹ thuật khác...

Thông qua việc tiếp thu kiến thức Mặt Trăng, JAXA ngày càng hiểu rõ hơn về quá trình nước tồn tại và phát triển trên vệ tinh này, đồng thời mở ra triển vọng khám phá của loài người đối với nguồn nước ngoài trái đất trong tương lai.

Dự kiến, LUPEX sẽ được phóng bởi tên lửa H3, được phát triển bởi JAXA và ba nhà thầu hàng không vũ trụ hàng đầu của Nhật Bản, sẽ mang theo một số thiết bị như: máy phân tích nước, máy phân tích nhiệt trọng lượng mặt trăng (JAXA), Máy dò thủy sinh sử dụng cộng hưởng quang học, máy quang phổ hình ảnh hồng ngoại...

Dựa trên những thiết bị này, tàu vũ trụ có thể phát hiện các nguồn nước tiềm năng ở độ sâu 1,5 mét bên dưới bề mặt Mặt Trăng cũng như thành phần của chúng.

Trong khi đó, tàu SLIM mang theo vệ tinh Quang phổ và chụp ảnh Tia X (XRISM) đáng lẽ được phóng vào ngày 28/8 nhưng bị hoãn do thời tiết xấu. Dự kiến, JAXA sẽ phóng SLIM vào tuần sau.

Nếu thành công, Nhật Bản sẽ là quốc gia thứ năm đặt chân lên Mặt Trăng, bước chuyển mình mạnh mẽ của một trong những siêu cường hàng đầu châu Á.  

Vào ngày 25/8, Ấn Độ đã phóng thành công tàu Chandrayaan-3 xuống cực nam Mặt Trăng, trở thành nước thứ tư chạm được bề mặt “gồ ghề” của vệ tinh gần trái đất nhất, sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.

Sau sự kiện này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết: “Thành công này thuộc về toàn thể nhân loại và sẽ là tiền đề cho các quốc gia khác hoàn thành giấc mơ chinh phục Mặt Trăng trong tương lai." Ông tin rằng tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước ở Nam bán cầu đều có khả năng đạt được những thành tích như vậy.