Tọa đàm Chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách

Để giấc mơ không xa vời

Nhóm PVKT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 6/8, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ Chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức đã tổ chức tọa đàm “Chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách".

Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý và người lao động trên địa bàn TP Hà Nội. Thực tế với mức thu nhập hiện nay, để công nhân lao động sở hữu nhà ở tại đô thị còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc xây dựng cũng như thực thi các chính sách liên quan về nội dung này.

Lãnh đạo Báo Kinh tế & Đô thị tặng hoa các diễn giả tham dự tọa đàm. Ảnh: Ngọc Tú
Lãnh đạo Báo Kinh tế & Đô thị tặng hoa các diễn giả tham dự tọa đàm. Ảnh: Ngọc Tú

Công nhân không nghĩ được đến chuyện mua nhà

Tham dự và chia sẻ tại buổi tọa đàm “Chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách" do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức ngày 6/8, chị Trịnh Thị Chung – Công nhân Công ty TNHH Kai Việt Nam bày tỏ: với mức lãi suất 8,2%/ năm trong gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ nêu tại Nghị quyết 33 để phát triển nhà ở công nhân là quá cao với mức thu nhập của công nhân.

 

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình Những cống hiến thầm lặng mùa 3 năm 2023, ngày 6/8, Báo Kinh tế & Đô thị đã phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức chuyến khảo sát thực tế cho các nhà báo đến khu nhà ở của công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Sau đó, các đại biểu đã cùng trao đổi tọa đàm với chủ đề “Chỗ ở cho công nhân -Từ thực tiễn đến chính sách".
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia, nhà quản lý gồm: PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội; bà Nguyễn Thị Tám Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh; ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội; ông Bùi Dũng, Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội; bà Lê Thị Minh Hường, Giám đốc xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.
Về phía Ban Tổ chức có Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh, thành viên Ban Tổ chức; Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cùng dự và chỉ đạo.
Cùng dự tọa đàm có hơn 20 đại diện đến từ các báo T.Ư và Hà Nội. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của gần 50 công nhân lao động đang làm việc tại các công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long.

"Bản thân tôi rất muốn mua nhà ở xã hội bởi các con đều ở cùng và học tại địa bàn. Khi con lên cấp 3 không được học cấp 3 ở trường công, phải học trường tư với chi phí tốn kém. Tôi rất muốn có căn nhà và hộ khẩu thường trú để cháu được học trường công. Tuy nhiên, với mức thu nhập của chúng tôi và mức chi phí sinh hoạt cao như hiện nay thì rất khó có cơ hội để mua được nhà ở xã hội"- chị Chung chia sẻ.

Cùng chung tâm sự này, chị Nguyễn Khánh Linh - công nhân Công ty CANON cho rằng, với mức lãi suất cho vay như vậy là quá cao, công nhân không có cơ hội để mua nhà. "Chúng tôi mong muốn có mức lãi suất phù hợp cho công nhân có nhà, tạo điều kiện cho con cái học tập, sinh hoạt".

Bày tỏ quan điểm về khả năng sở hữu nhà ở của công nhân lao động, Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Bùi Dũng cho biết: “Với mức thu nhập không cao từ lương công nhân, họ phải lo cho bản thân, lo cho gia đình và nhiều nhu cầu khác. Với mức lãi suất 8% và chỉ cho vay trong 5 năm thì công nhân không bao giờ có thể nghĩ được đến chuyện mua nhà mà chỉ đi thuê. Và đi thuê thì thuê thế nào, giá ra sao cho phù hợp cũng là điều cần phải tính đến”.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, việc lo nhà ở cho công nhân là trách nhiệm của xã hội, việc Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ để phát triển nhà ở xã hội là sự quan tâm lớn đến đời sống công nhân. Tuy nhiên, mức lãi suất để phát triển nhà ở cho công nhân thuê, thuê - mua 8% là quá cao, thời gian cho vay ngắn.

"Đề nghị công khai, minh bạch tiêu chí vay vốn của người được hỗ trợ để công nhân có điều kiện tiếp cận vốn công bằng; phải giảm hỗ trợ về tín dụng. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có Quỹ đủ để xây nhà cho công nhân thuê, sau đó mới tính bán vì thực tế cũng có nhiều công nhân ở các tỉnh như Hải Dương, Nam Định lên Hà Nội làm chỉ muốn thuê nhà, sau này họ về quê. Khi công nhân bảo đảm cuộc sống yên bình để tập trung vào phát triển sản xuất thì đất nước mới phát triển bền vững"- PGS.TS Bùi Thị An nêu.

Cần có chính sách trợ giá cho công nhân thuê nhà

Để sở hữu một căn hộ tại khu nhà ở xã hội đối với đa số công nhân lao động là điều vô cùng khó khăn và rất xa vời. Thế nhưng, thực tế cho thấy đời sống công nhân còn khó khăn hơn rất nhiều bởi với mức thu nhập không cao, trong khi chi phí lớn khiến họ phải lựa chọn ở trong những khu nhà không bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám bày tỏ sự cảm nhận rất sâu sắc về điều kiện, khó khăn, nơi ăn chỗ ở, con cái học hành của các công nhân khi làm việc tại khu công nghiệp nói chung và xã Kim Chung nói riêng và thông tin: hiện nay, Khu Công nghiệp Thăng Long có trên 22.400 công nhân đang thuê trọ. Riêng xã Kim Chung có 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ, với trên 5.000 phòng.

Điều kiện ăn ở của công nhân rất vất vả, rất chật chội bởi không có điều kiện thuê các căn phòng ở khang trang vì còn phải dành tiền sinh hoạt, gửi về quê, vì vậy, điều kiện sống của công nhân không bảo đảm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có những khu công nghiệp lớn nhưng không có thiết chế kèm theo, tất cả công nhân sinh hoạt chung cùng người dân. Còn nhà ở tại Khu công nghiệp Thăng Long thì cũng có nhiều khó khăn, bất cập, không bảo đảm cuộc sống.

"Từ thực tiễn khó khăn nêu trên, đề nghị Đảng, Nhà nước có những cơ chế phù hợp, tháo gỡ, thiết thực thông suốt trong thời gian ngắn nhất để người dân có thể thụ hưởng. Đời sống người lao động phải được bảo đảm. Cư dân ngụ cư cũng phải được hưởng chính sách của Nhà nước. Đồng thời, cần có chính sách trợ giá để công nhân thuê nhà được ở trong điều kiện tốt hơn với mức giá rẻ, phù hợp"- Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đề xuất.

Với vai trò là đơn vị vận hành, quản lý khu nhà ở cho công nhân thuê, ông Bùi Dũng - Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội, Công ty TNHH Một thành viên phát triển nhà Hà Nội cũng nêu thực trạng cơ sở vật chất khu thí điểm đầu tiên xây nhà ở xã hội cho công nhân thuê với vốn của TP Hà Nội tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh hiện đã xuống cấp.

Ông Bùi Dũng cho biết, tòa nhà có quy mô 24 đơn nguyên (tòa nhà thấp tầng không có thang máy), 4 tòa nhà có thang máy. Khu nhà ở được xây dựng, thiết kế đáp ứng đủ điều kiện sinh hoạt cho công nhân về quy mô, diện tích nhưng theo hình thức cũ, chưa đáp ứng đúng nhu cầu người lao động. Cùng đó, mức giá cho công nhân lao động thuê cũng chưa có quy chế quản lý rõ ràng. Hiện nay mức giá là 120.000 đồng người/ tháng, giá thuê mỗi 5 năm tăng 10%. Với căn hộ tập thể tạm thu mức giá 120.000 đồng/người.

Để bảo đảm điều kiện ăn ở, công ty cũng thành lập các xí nghiệp thành viên để phụ trách. Mỗi tòa nhà có bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự, có lực lượng làm công tác vệ sinh; bảo đảm điều kiện an ninh, vệ sinh. Tuy nhiên, "câu chuyện nhà ở thì chính sách đầu tư xây dựng bao giờ cũng thấp, chất lượng ngày càng đi xuống. Bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà như thế nào để phục vụ tốt người lao động thì chúng tôi cũng đau đầu vì có nhiều bất cập"- ông Bùi Dũng chia sẻ.

Theo Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội, một số bất cập có thể kể đến như để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng từ khi kiểm tra, khảo sát đến lúc được duyệt cũng phải tầm quý 3, 4 trong năm mới có kinh phí triển khai nên đơn vị không có điều kiện nguồn kinh phí đáp ứng ngay việc sửa chữa. Bên cạnh đó, ở khu thí điểm, việc xây dựng không đồng bộ, năm 2020 mới xây xong nhà văn hóa. Sự hấp dẫn, tính ưu việt để phục vụ cho người lao động bị thương mại hóa.

Từ những bất cập nêu trên, Trưởng phòng quản lý tái định cư và nhà xã hội đề nghị phải có thiết chế, cơ chế rõ ràng, các nhà khi xây dựng phải có nhà sinh hoạt cộng đồng thay bằng việc xây nhà văn hóa tập trung. Khi xây dựng phải đồng bộ thiết kế, có tầm nhìn về việc quy hoạch, xây dựng.

 

Nhà nước, các nhà làm luật, các cấp chính quyền và các tổ chức khác hãy cùng đồng hành với cộng đồng DN trong xây dựng chính sách. Theo đó, cơ chế chính sách làm sao để DN thực hiện các dự án nhà ở công nhân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, có mức lãi suất hợp lý để yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đó hỗ trợ cho người lao động thụ hưởng. Đó còn là trách nhiệm an sinh xã hội của cộng đồng DN nói chung cũng như các DN trong Hiệp hội.
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Vân