Để lễ hội hết tả tơi

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ) dừng tổ chức chờ đề án mới, Lễ hội cướp chiếu Đức Bụt (Vĩnh Phúc), Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) phải thay đổi hình thức tổ chức… là những kịch bản đã được các địa phương thống nhất cùng Bộ VHTT&DL tại hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019, diễn ra chiều 18/1 tại Bộ VHTT&DL.

Giảm hội chọi trâu
Nếu như năm 2018, cũng tại hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội, nhiều địa phương còn tranh cãi “chọi trâu ở Đồ Sơn được công nhận là di sản quốc gia trong khi bà con dân tộc lý giải Tuyên Quang cũng là chọi trâu mà nơi được cấp phép, nơi lại không được” – Giám đốc Sở VHTT&DL Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan bày tỏ. Ông Phan khẳng định, theo yêu cầu của Bộ, năm 2019 Tuyên Quang không còn tổ chức lễ hội chọi trâu, thay vào đó nhấn mạnh vào các lễ hội mới, bớt tiêu cực như Lễ hội Cam sành để bà con vừa trải nghiệm, vừa vui hội.
 Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ năm 2018. Ảnh Công Hùng
Ngoài Tuyên Quang, năm 2019, nhiều địa phương mới phát sinh lễ hội chọi trâu như Bắc Ninh, Hà Nội đã buộc “nói không” với chọi trâu. “Hiện nay các DN vẫn gửi hồ sơ xin được tổ chức hội thi trâu khỏe hay hội đấu đầu trâu… nhưng đồng nhất với quan điểm của Bộ VHTT&DL, địa phương không cho phép tổ chức các lễ hội mang tính bạo lực. Thậm chí hình thức chọi gà ở Hội Lim cũng được loại bỏ” – đại diện lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Một số địa phương có lễ hội chọi trâu truyền thống như chọi trâu Phù Ninh chỉ còn tổ chức các nghi lễ truyền thống, hình thức chọi trâu bị tạm dừng chờ đề án tổ chức mới. Riêng Lễ hội chọi trâu Vĩnh Phúc vì lý do trâu đấu được giao từ ngay mùa lễ năm 2018 nên sẽ vẫn được tổ chức. Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu UBND xã Hải Linh, huyện Tam Dương, phải xây dựng đề án, kịch bản, có phương án đổi mới hình thức lễ hội chọi trâu, có đường dẫn riêng vào vòng xới, ngăn cách nhiều lớp với khán giả. “Theo đề án năm nay cũng duy trì 16 cặp trâu (32 con trâu). Năm 2020 sẽ giảm còn 20 con (tức còn 10 cặp) và sẽ giảm dần theo từng năm” – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc Quảng Đức Hạnh thông tin.

Về số lượng, từ lễ hội chọi trâu mới phát sinh cho đến lễ hội có yếu tố truyền thống đã giảm đi rất nhiều so với các năm trước. Đặc biệt, 100% lễ hội chọi trâu được phép duy trì đều phải thay đổi đề án tổ chức, ví dụ như Lễ hội chọi trâu Hải Phòng đã không được phép bán vé, phải xây dựng khu giết mổ, khu bán thịt trâu riêng biệt, có vách che chắn kín đáo, đảm bảo VSATTP và có niêm yết giá bán thịt trâu công khai.

Tranh cãi thời gian phát ấn đền Trần

Nhiều lễ hội phải thay đổi cách thức thực hiện để chấn chỉnh lễ hội bạo lực. Điều này cũng đặt ra cho các nhà quản lý câu hỏi, làm thế nào để không làm thay đổi bản chất lễ hội? Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) không còn cướp lộc mà phát lộc, Lễ hội Đền Trần (Nam Định) không còn phát ấn “giờ thiêng” – nửa đêm ngày rằm tháng Giêng. “Theo nghi lễ truyền thống, ấn đền Trần được phát ngay sau khi kết thúc lễ rước. Qua 6 năm thực hiện đề án mới, thay đổi múi giờ, cảnh chen chúc xin ấn không còn. Trong tất cả các văn bản của Bộ đều nhấn mạnh nghi lễ phải đảm bảo tính truyền thống, phải chăng đã đến lúc chúng ta trả tính truyền thống của phát ấn cho lễ hội đền Trần?” – Trưởng Ban quản lý di tích đền Trần (Nam Định) Nguyễn Đức Bình bày tỏ.

Tuy nhiên, ý kiến này của ông Bình đã vấp phải sự phản đối của cơ quan quản lý cấp Bộ. “Chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tại sao phải xây dựng đề án, thay đổi múi giờ phát ấn. Năm năm 2011 phát ấn lúc nửa đêm làm 26 người bị thương. Một quan chức cấp cao không thể đi đường chính mà phải khiêng qua hàng rào để vào hậu cung làm lễ theo kịch bản. Theo tôi đừng nên gợi lại ý tưởng tổ chức phát ấn như cũ trong khi việc tổ chức quá nhiều tiêu cực, Ban tổ chức chưa có phương án tối ưu đảm bảo an toàn cho người đi hội” – Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL nhấn mạnh. Ông Phúc cho rằng, thời bây giờ đã khác xưa rất nhiều rồi nếu không quản lý mà cứ nói trả lễ hội để tự phát thì không thể nào giữ được trật tự.

Không tuyệt đối hóa lễ hội

Tham dự hội nghị chiều 18/1, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH) lấy ví dụ từ câu tục ngữ “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”, nêu quan điểm của mình, hội năm nào cũng có, đi hội thì đương nhiên phải tả tơi. Đó là nhu cầu văn hóa của cộng đồng, những ngày hội khác với ngày thường nên thăng hoa hơn để từ đó cân bằng đời sống tâm linh. Những ngày lễ hội thường ngắn, nên chăng khuyến khích khoảnh khắc thăng hoa chỉ có điều đừng vượt lên bất thường quá mà thôi. Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL Phạm Xuân Phúc cũng đồng tình cho rằng: “Với vai trò là cơ quan thanh kiểm tra tôi cũng phải nói rằng, đừng tuyệt đối hóa lễ hội. Cả dòng người đổ về tham gia một lễ hội trong một khoảng thời gian ngắn trong khi Ban tổ chức lại không có bất cứ biện pháp mà lại tin là sẽ vô cùng ngay ngắn và trật tự thì khó lắm”.

Để chuẩn bị cho mùa khai hội năm 2019 bình yên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy yêu cầu các địa phương phải thật tập trung để tổ chức tốt theo đúng đề án và chủ trương của Bộ VH,TT&DL. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân dự hội hiểu hơn giá trị truyền thống, bản sắc văn hoá của các lễ hội, tránh có những hành động phản cảm, thiếu hiểu biết. “Hiện nay, vẫn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, vì vậy, các địa phương, ban tổ chức các lễ hội phải phân cấp quản lý chặt chẽ, rõ người rõ việc” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ.

"Để giảm thiểu sự bất thường năm nay, công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã được đổi mới theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP. Trong Nghị định 110 ngoài việc thay thế cấp phép là đăng ký và thông báo thì có biện pháp hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng tổ chức lễ hội khi xuất hiện các điều trái với quy định trong khi chờ xử lý xử phạt vi phạm hành chính." - Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương


"Có tín ngưỡng phồn thực đương nhiên có lễ hội phồn thực. Đó là điều giúp Việt Nam khác với những nền văn hóa khác. Sao lại đánh giá là nó phản cảm? Làm gì có lễ hội nào phản cảm, chỉ có hành vi mang tính chất không thuận mắt mà thôi. Ví như Lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) chứ không phải Lễ hội chém lợn. Chém lợn chỉ là nghi lễ, nghi thức trong cả diễn trình. Nếu cứ cấm là mất đi bản sắc văn hóa. Nhiều nơi thèm khát lễ hội của chúng ta. Vì thế quản lý thế nào thì quản lý, nếu mất đi màu sắc riêng là thất bại." - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm KHXH) PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm


"Điểm mới của lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) là quanh sân phết, bố trí 4 hàng rào bằng cộc gỗ chắc chắn, mỗi lớp hàng rào chăng 3 dây thừng chắc khỏe. Bên ngoài bố trí lực lượng an ninh của tình, huyện, các xã. Không để dân và du khách tràn vào sân cướp phết. Điểm mới nữa là xác định tháng cuộc khi đánh phết phải đưa quả phết vào vòng cắm cây nêu ở bên trong hàng rào, chứ không phải đưa ra ngoài tranh nhau như trước đây." - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ Nguyễn Việt Trung