Đề nghị mức lương đủ sống để giảm căng thẳng tại nơi làm việc

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm, trong đó có yếu tố căng thẳng tại nơi làm việc; 40% người lao động được hỏi cho rằng mức lương không đủ sống…

Điều chỉnh chính sách tiền lương cho người lao động cần hướng tới mức lương đủ sống. Ảnh: Công Hùng
Điều chỉnh chính sách tiền lương cho người lao động cần hướng tới mức lương đủ sống. Ảnh: Công Hùng

40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm

Trong một ấn phẩm mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế “Stress tại nơi làm việc: Một thách thức chung”, nhóm An toàn và Sức khỏe lao động đã đánh giá các nghiên cứu gần đây nhất về stress tại nơi làm việc ở châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ, Australia và châu Âu và kết luận: stress gây thiệt hại hàng tỷ đô la mỗi năm. Đó là chưa thể tính hết những cái giá mà con người phải trả khi chịu đựng đau khổ, buồn bã và thậm chí là tự sát.

Tại Việt Nam, một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai năm 2017 cho thấy: khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm, gấp 4 lần tử vong do tai nạn giao thông.

Theo bà Nguyễn Thu Hà - Trưởng Khoa tâm sinh lý, Viện Sức khỏe nghề nghiệp, Bộ Y tế, trầm cảm có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố của công việc căng thẳng gây rối loạn về sức khỏe, tinh thần dẫn đến lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó, người lao động còn có thể gặp vấn đề về tim mạch, huyết áp, tiêu hóa…

 

Đã có những DN tạo ra được môi trường làm việc, ngày càng cải thiện về quan hệ lao động, điều kiện làm việc, tăng cường các phúc lợi. Đặc biệt trong khâu thiết kế máy móc thiết bị thì có chú ý đến phù hợp với cơ thể, nhân trắc của người lao động để có những thiết kế phù hợp với cơ thể, nhân trắc của người Việt. Đã có DN thay đổi nền tường thành màu hồng, vàng, xanh, tím, đặt thêm những cây xanh cũng tạo ra cảm hứng tươi mới cho cảm quan người lao động; nhưng số đơn vị thay đổi như thế này chưa phổ biến.
Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH Hà Tất Thắng

Năm 2022, Phân Viện Khoa học An toàn – Vệ sinh lao động và Bảo vệ Môi trường Miền Nam đã khảo sát đánh giá về tình trạng sức khỏe, tâm thần của nữ công nhân thuộc lĩnh vực dệt may, cho kết quả sơ bộ: 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Trong số người có biểu hiện trầm cảm thì có tới 8% có ý định gây tổn hại cho bản thân, 49,5% người lao động thường xuyên cảm thấy buồn chán.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, qua những lần Tổng Liên đoàn khảo sát và đề tài khoa học đều đặt ra những vấn đề rất lớn về môi trường và điều kiện làm việc hiện nay. Vẫn còn tỷ lệ khá lớn người lao động chưa hài lòng với môi trường và điều kiện lao động thực tế.

Về mối quan hệ lao động thì có nơi chưa thực sự hài hòa, nhiều chủ sử dụng lao động chưa coi người lao động là vốn quý nhất của công ty; chưa biến họ thành nhân vật trung tâm để kiến tạo sự phát triển của DN.

Tình trạng lao động giá rẻ để vắt kiệt sức lao động vẫn còn trong suy nghĩ của không ít chủ sử dụng lao động, gây thiệt hại cho DN. Chủ DN tưởng rằng không phải bỏ ra nguồn lực trước mắt nhưng về lâu dài khó thu được nguồn lợi nhuận.

Điều chỉnh chính sách tiền lương tối thiểu

Người lao động có thu nhập thấp, số giờ làm việc nhiều, công việc nặng nhọc, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) không đảm bảo, không có thời gian vui chơi giải trí, sức khỏe không tốt… là những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng tại nơi làm việc được các chuyên gia lao động nêu ra.

TS. Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cảnh báo: Tình trạng stress kéo dài dẫn đến rối loạn tâm thần như trầm cảm và lo âu - đây là hai bệnh lý tâm thần phổ biến hiện nay, ảnh hưởng không chỉ đến chất lượng cuộc sống mà để lại nhiều hậu quả kinh tế - xã hội.

Stress gây ra những hệ lụy, hậu quả lớn đối với chính người lao động và gia đình họ, nguồn nhân lực và từng DN. Bởi vậy Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 có chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.

Để phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc, ông Nguyễn Khánh Long – Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động đưa ra các giải pháp. Đó là tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về ATVSLĐ; làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu hướng chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho DN và người lao động.

Đối với DN, cần tổ chức việc đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động làm căn cứ thực hiện các chính sách, chế độ đối với người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

Về phía người lao động cần cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi phù hợp; duy trì thói quen vận động hàng ngày… Đồng thời, không ngừng trau dồi và nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công việc, đời sống, giúp hoàn thiện bản thân cũng như tạo thêm nhiều cơ hội để phát triển hoặc tìm kiếm công việc mới nếu thấy cần thiết.

Có một thức tế, là vấn đề giảm việc làm, giảm thu nhập từ cuối năm 2022 đã gây áp lực lớn đối với nhiều người lao động ở các quốc gia. Nghiên cứu của Hiệp hội tâm lý Mỹ, tiền lương là nguyên nhân số 1 gây căng thẳng tại nơi làm việc.

Điều này thể hiện ở kết quả khảo sát năm 2021 có 56% trong số 1.501 nhân viên được hỏi cho biết mức lương thấp làm ảnh hưởng đáng kể tới căng thẳng của họ. Ở nước ta, thực tế những năm qua, mức lương tối thiểu luôn tăng đã cải thiện đời sống của người lao động.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu thì mức lương tối thiểu mới đáp ứng cơ bản mức sống tối thiểu của người lao động, đó là về mặt lý thuyết. Thực tế, cơ quan có thẩm quyền chưa công bố chính xác về mức sống tối thiểu.

“Khi chúng tôi hỏi, có 30 - 40% người lao động nói rằng mức lương không đủ sống, điều này đặt ra vấn đề: chúng ta tiếp cận từ lương tối thiểu sang lương đủ sống. Trong thời gian không xa, chúng ta thực hiện điều chỉnh chính sách tiền lương tối thiểu hướng tới đảm bảo lương đủ sống cho người lao động” – ông Hiểu cho hay.

Và, để người lao động giảm căng thẳng tại nơi làm việc thì cần giải pháp tổng thể, toàn diện từ quốc gia đến chủ sử dụng lao động, đặc biệt là vai trò của tổ chức công đoàn; chính sách phải đi từ gốc để giải quyết các vấn đề; có các giải pháp cho nhiều chủ thể cùng thực hiện.

 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, trong bối cảnh chúng ta vẫn đang duy trì mức lương tối thiểu thì một vấn đề quan trọng nhất là cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Tổng cục Thống kê cần sớm công bố mức sống tối thiểu của người lao động. Trong đó có việc tính đúng, tính đủ, tính rất chính xác mức sống tối thiểu để từ đó chúng ta phác họa nên nhu cầu về thu nhập của người lao động có tính toán mức lương tối thiểu. Tôi cho rằng, thúc đẩy lương tối thiểu hướng tới lương đủ sống là biện pháp nâng cao đời sống của người lao động; và cũng là đặt ra yêu cầu đối với DN là phải đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ, thay đổi quản lý.

Và, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững thì đó phải là nền kinh tế của lương đủ sống. Khi người lao động đều sống được bằng đồng lương của mình thì chắc chắn đây là cơ hội họ giảm stress trong công việc rất nhiều.