Dự án đường Vành đai 1:

Đề xuất cơ chế đặc thù để tái định cư cho người dân

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, hiện vẫn chưa thể triển khai do vướng giải phóng mặt bằng. Địa phương cũng như người dân bày tỏ nguyện vọng về cơ chế đặc thù, giúp ổn định nơi ăn chốn ở cho các hộ dân thuộc diện phải di dời.  

 Chờ mặt bằng thi công

 Được biết, dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, TP Hà Nội có tổng chiều dài 2,2km, mặt cắt ngang 50m (bao gồm hai cầu vượt tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh). Dự án do Ban QLDA Dân dụng TP Hà Nội làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2018-2024.

Trao đổi với Kinh tế và Đô thị, ông Đỗ Việt Hưng - Phó Giám đốc Ban QLDA Dân dụng TP Hà Nội cho biết: “Tổng mức đầu tư của dự án là 7.200 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp thiết bị chỉ chiếm khoảng 600 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng, tư vấn và quản lý dự án. Hiện dự án vẫn không thể triển khai, do chưa có mặt bằng thi công. Chúng tôi đang chỉ đạo tất cả các đơn vị liên quan thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu,  chuẩn bị khi có mặt bằng sẽ tổ chức thi công cuốn chiếu ngay”.

Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục  hoàn thiện sẽ gỡ  rối cho giao thông quận Ba Đình và Đống Đa.
Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục  hoàn thiện sẽ gỡ  rối cho giao thông quận Ba Đình và Đống Đa.

“Đến thời điểm hiện tại, đơn vị cũng đang thực hiện điều chỉnh dự án theo phân kỳ quy hoạch. Tiến độ của dự án sẽ ưu tiên triển khai trước 2 cầu vượt, tuy nhiên cũng chưa thực hiện được. Việc đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành vào năm 2024 theo chỉ đạo của TP Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào công tác giải phóng mặt bằng” - ông Đỗ Việt Hưng chia sẻ.

Ông Lê Trí Dũng - Phó Giám đốc Ban QLDA quận Ba Đình cho biết, dự án Vành đai 1 đi qua địa bàn quận Ba Đình với 1.389 phương án giải phóng mặt bằng. Trong công tác giải phóng mặt bằng,, đơn vị gặp không ít khó khăn do có nhiều loại đất khác nhau. Theo quy định, nhiều hộ dân không đủ tiền đền bù để mua nhà tái định cư do đang sinh sống trên đất nông nghiệp, tuy nhiên những hộ dân này lại không còn nơi ở nào khác. Cũng theo quy định, hộ gia đình phải đủ cặp vợ, chồng mới có thể xét tái định cư, tại đây cũng không ít gia đình thiếu điều kiện này.

Khu vực dân cư nằm trong diện thu hồi đất xây dựng dự án đường Vành đai 1.
Khu vực dân cư nằm trong diện thu hồi đất xây dựng dự án đường Vành đai 1.

“Qua quá trình khảo sát, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị đến UBND TP để xem xét cơ chế đặc thù cho những hộ dân này đủ điều kiện mua căn hộ tái định cư với diện tích nhỏ nhất” - ông Lê Trí Dũng chia sẻ.

Theo ông Lê Chí Dũng, quận Ba Đình đề xuất tiến hành chọn lọc những căn hộ tái định cư nhỏ nhất và TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí để bán cho các hộ gia đình không đủ điều kiện. Thống kê khu vực tái định cư dự án, có hơn 300 căn hộ nhỏ dưới 50m vuông tại khu vực phường Nghĩa Đô, quận Cầu giấy. Những căn hộ này hiện nay đã đủ điều kiện để vào ở.

Do nằm trong khu vực dự án đường Vành đai 1, đời sống những hộ dân ở đây cực kỳ khó khăn về hạ tầng, nước sạch, thoát nước cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy.
Do nằm trong khu vực dự án đường Vành đai 1, đời sống những hộ dân ở đây cực kỳ khó khăn về hạ tầng, nước sạch, thoát nước cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy.

“Để đáp ứng được yêu cầu của UBND TP Hà Nội về việc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023, đến tháng 11 chúng tôi sẽ tiến hành lập 100% các phương án đền bù. Quận cũng đã ban hành hơn 100 quyết định kiểm đếm bắt buộc sau quá trình vận động, thuyết phục nhưng các hộ dân không hợp tác. Đối với các hộ hợp tác, chúng tôi tiến hành khẩn trương đo đạc, lập biên bản khảo sát, thẩm định để tiến hành lên phương án đền bù” - ông Lê Chí Dũng cho biết thêm.

Nhân dân đồng thuận

 Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Viên Hải Tuệ - Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho biết: “ Phường có 614 trường hợp giải phóng mặt bằng. Hiện đã niêm yết, công khai tất cả các chính sách di dời đối với người dân và khẩn trương tiến hành đo đạc, kiểm đếm và tuyên truyền, vận động Nhân dân”.

Nhiều người dân đang phải sống trong ngôi nhà xuống cấp  do không được sửa chữa cũng như xây mới.
Nhiều người dân đang phải sống trong ngôi nhà xuống cấp  do không được sửa chữa cũng như xây mới.

Theo ông Tuệ, trong 614 phương án đền bù có 350 phương án thuộc diện sinh sống trên đất nông nghiệp, chính sách hỗ trợ rất thấp. Hiện nay, còn 96 hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù, phường đã ban hành quyết định cưỡng chế kiểm đếm. Người dân rất mong muốn khi thu hồi đất triển khai dự án, TP Hà Nội có những hỗ trợ để có nhà tái định cư, ổn định cuộc sống.

“Do nằm trong khu vực dự án đường Vành đai 1, đời sống những hộ dân ở đây cực kỳ khó khăn về hạ tầng, nước sạch, thoát nước cũng như công tác phòng cháy, chữa cháy. Khi chúng tôi triển khai họp, các hộ dân cũng cơ bản mong muốn dự án triển khai sớm để bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, người dân cũng có mong muốn có nơi ăn, chốn ở sau khi bàn giao nhà để làm đường” - ông Viên Hải Tuệ chia sẻ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Sảng, tổ trưởng tổ dân phố số 4A, phường Ngọc Khánh cho biết: “Tổ dân phố chúng tôi có 120 hộ dân, có 86 hộ phải di dời để thực hiện dự án Vành đai 1. Các hộ dân đều sinh sống trên diện tích đất nông nghiệp”.

Nhiều hộ gia đình không biết sẽ phải đi đâu nếu bị thu hồi nhà, vì tiền đền bù không đủ mua căn nhà mới.
Nhiều hộ gia đình không biết sẽ phải đi đâu nếu bị thu hồi nhà, vì tiền đền bù không đủ mua căn nhà mới.

Theo ông Sảng, nhiều năm nay, do nằm trong dự án, nhà cửa không thể sửa chữa cũng như xây mới, tình trạng xuống cấp trầm trọng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống. Người dân tại tổ dân phố đồng thuận, ủng hộ việc xây dựng đường Vành đai 1, tuy nhiên Nhân dân trong khu vực cũng có mong muốn quận Ba Đình đề xuất tới TP Hà Nội có những chính sách đặc thù để mua được căn nhà tái định cư.

Bà Trần Thị Dung, trú tại 171 Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình chia sẻ: “Chúng tôi đã nắm được thông tin nhà mình sẽ phải di dời để phục vụ công tác xây dựng đường Vành đai 1. Người dân chúng tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng, di dời để thực hiện dự án”.

Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Dung, xét theo quy định của pháp luật, gia đình chỉ được đền bù khoảng 400 triệu đồng. Với kinh tế gia đình như hiện nay không thể bù thêm tiền để mua được căn nhà mới. Vì vậy, bà rất mong TP Hà Nội xem xét, tạo điều kiện cho Nhân dân có nơi ăn, chốn ở ổn định.