Đề xuất tăng lương hưu 8% từ 1/7/2024

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 là 8%, để giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ 1/7/2024 trở đi.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi Bộ LĐTB&XH báo cáo tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Trong đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất với Bộ LĐTB&XH về phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của năm 2024.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 là 8%. Ảnh minh họa.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu từ ngày 1/7/2024 là 8%. Ảnh minh họa.

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được áp dụng đối với người lao động có khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1/7/2024; thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2024 trở đi được tính bình quân toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Với cách tính mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo đề xuất thì bình quân 5 năm mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính yếu tố trượt giá), đồng thời lương hưu của người lao động nghỉ sau ngày 1/7/2024 chỉ tăng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024.

Thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% và xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 khoảng 8% là phù hợp (căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%). Điều này sẽ giúp giảm bớt chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi. Vì đây là mức điều chỉnh lương hưu chung cho mọi người hưởng lương hưu, bao gồm cả người lao động trước khi nghỉ hưu đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương do Nhà nước quy định và người đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, với mức điều chỉnh 8% thì dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng như sau:

Ngân sách Nhà nước tăng khoảng 1.900 tỷ đồng (trường hợp điều chỉnh bổ sung đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh theo mức 8% dưới 3.500.000 đồng/tháng thì kinh phí tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng).

Quỹ Bảo hiển xã hội tăng khoảng 6.900 tỷ đồng (chưa bao gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế).

Trước đó, theo yêu cầu của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công giao Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Tư pháp và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm rõ tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đối với các đối tượng khác nhau.

Đặc biệt là lực lượng vũ trang, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở, cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, đề xuất chỉnh lý các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đồng thời, đánh giá tác động đến ngân sách Nhà nước khi thực hiện điều chỉnh, bảo đảm tính chính xác của số liệu, xem xét đầy đủ, toàn diện các khía cạnh.