Dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học mới đang cận kề, đây cũng là giai đoạn có nhiều bệnh lây nhiễm có thể xuất hiện lây lan trên diện rộng như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, đau mắt đỏ... Chuyên gia y tế cảnh báo, người dân không nên chủ quan với các dịch bệnh trước mùa tựu trường.

Gia tăng các dịch bệnh

Những ngày gần đây, tại các bệnh viện trung ương và Hà Nội ghi nhận số trẻ mắc sốt xuất huyết gia tăng nhanh. Nhiều bệnh nhi đang điều trị tại đây đã trong tình trạng nặng.

Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trẻ nhập viện do sốt xuất huyết. Đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó, nhiều trẻ có dấu hiệu cảnh báo và may mắn đã được điều trị kịp thời mang lại hiệu quả sau điều trị cao.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8/2023 đã tiếp nhận gần 80 bệnh nhân sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với tháng 7/2023.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga - Phó Trưởng khoa Nội tổng quát - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh sốt xuất huyết có thể được phát hiện ngay trong ngày đầu tiên mắc bệnh khi trẻ mới có biểu hiện của sốt mà chưa có các tình trạng dấu hiệu cảnh báo.

Các bác sĩ sẽ hướng dẫn để trẻ có thể được theo dõi tại nhà. Trong khi theo dõi trẻ tại nhà, cha mẹ cần chú ý, giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 mắc bệnh là giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết cần theo dõi sát trẻ.

Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, khi thấy trẻ mắc sốt xuất huyết có các biểu hiện như: Đau bụng, buồn nôn, nôn, tiểu ít nhất là sau 6-8 tiếng không thấy trẻ đi tiểu, nhất là có các biểu hiện chảy máu nặng như: Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa cần khẩn trương đưa trẻ tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Trong những dịch bệnh đang lưu hành, nhiều chuyên gia y tế lo ngại, khi bệnh tay chân miệng đang bùng phát tại nhiều địa phương trong bối cảnh ngày tựu trường cận kề. Bởi đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn nếu vệ sinh không bảo đảm.

Thời điểm này, bệnh tay chân miệng là căn bệnh dễ lan rộng và bùng phát nếu người dân không chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nếu như trường hợp tay chân miệng nhiễm chủng Coxsackie A16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 5.700 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận ca tử vong. Bệnh tay chân miệng đang lan nhanh và tăng hàng nghìn ca mỗi tuần.

Tính từ đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 68.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 18 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tay chân miệng năm nay tính đến thời điểm này tăng 52,3%. Số ca tử vong đã tăng 15 trường hợp.

Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng và dễ gây các biến chứng và có thể tử vong.

Hiện nay, khu vực miền Bắc chưa phải là đỉnh dịch tay chân miệng nhưng với việc phát hiện 20% bệnh nhi mang chủng EV71, các bác sĩ cảnh báo phụ huynh không được chủ quan.

Không chủ quan với các dịch bệnh

Không chỉ sốt xuất huyết, dịch viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) cũng đang lây lan nhanh. Điển hình, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc). Trong 3 tuần của tháng 8/2023, Bệnh viện Mắt trung ương đã tiếp nhận khoảng 2.500 trường hợp bị đau mắt đỏ.

Bác sĩ Lưu Quỳnh Anh – Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus herpes, thủy đậu, poxvirus…

Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…)

Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng, dịch viêm kết mạc cấp, cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus cúm gây ra, dễ lây lan và có thể phát triển thành dịch lớn.

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hàng năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm và nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 - 500.000 người tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi là những đối tượng dễ bị cúm tấn công. Bên cạnh đó là nhóm người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, bệnh mạn tính như hen suyễn hoặc nhóm phụ nữ có thai cũng là hay gặp các biến chứng nặng do bệnh cúm gây ra.

Bác sĩ Đặng Khánh Ly – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thăm khám cho bệnh nhi điều trị cúm.
Bác sĩ Đặng Khánh Ly – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thăm khám cho bệnh nhi điều trị cúm.

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Đặng Khánh Ly – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cảnh báo, bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính, trẻ dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen, suy giảm miễn dịch và phụ nữ có thai…

Do vậy, những trường hợp này khi có vấn đề về sức khỏe cần đến bệnh viện thăm khám ngay. Cách phòng bệnh cúm hiệu quả nhất là nên cho trẻ tiêm phòng cúm hàng năm, đặc biệt, trên nhóm trẻ nguy cơ cao (trẻ 6 tháng đến 8 tuổi, có mắc các bệnh lý nền).

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm vaccine được khuyến cáo là biện pháp phòng bệnh cúm mùa hữu hiệu, an toàn nhất.

Bệnh cúm mùa do virus cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục nhưng theo quy luật nhất định về di truyền.

Vaccine cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2-3 tuần. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus (trung hòa virus) khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu có bị mắc…

Tuy nhiên, nồng độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, và các chủng virus cúm thay đổi liên tục từ năm này sang năm khác, đó là lý do tại sao công thức vaccine phòng cúm luôn được cập nhật mỗi năm để phù hợp với chủng virus hiện đang lưu hành và việc tiêm nhắc lại vaccine cúm hằng năm là rất cần thiết để duy trì sự bảo vệ cao nhất.

WHO đã từ lâu thiết lập các trạm “quan trắc” virus cúm mùa trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, để phân lập, xác định virus cúm mùa lưu hành ở các khu vực. Từ đó, dự đoán, xác định chủng virus cúm sẽ xuất hiện vào mùa Đông-Xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa Đông-Xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).

Từ việc xác lập được khả năng chủng virus cúm nào sẽ hoành hành ở Bắc và Nam bán cầu, WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng virus cúm để sản xuất vaccine phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vaccine tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất: Bắc bán cầu là vào tháng 8-9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4-5 hàng năm.

Theo khuyến cáo của WHO, người dân nên tiêm đúng chủng loại vaccine Bắc bán cầu theo mùa, tức là bao trùm từ mùa Đông năm nay tới hết mùa Xuân năm sau.

 

Bệnh cúm chủ yếu gặp ở các đối tượng trẻ em trong độ tuổi đi học. Chính vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, chảy nước mũi, ho, sốt… cần cho trẻ đi khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh trường hợp chủ quan, trẻ ốm vẫn đưa đến lớp lại thành môi trường lây lan trong lớp học.