Mong ước trước thềm năm học mới

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, cùng hàng chục triệu học sinh cả nước, gần 2,3 triệu học sinh mầm non và phổ thông các cấp của Hà Nội đang háo hức chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024.

Từ đầu tuần, học sinh khối lớp 1 đã bắt đầu những giờ học đầu tiên.

Liên quan đến việc chuẩn bị khai giảng năm học mới, Kế hoạch số 1642/KH-SGDĐT về tổ chức hoạt động Hè cho học sinh, học viên và trẻ em năm 2023 do Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành có quy định các nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm, không dạy trước chương trình, tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2023 - 2024…

Những yêu cầu trên, nếu được thực thi nghiêm túc sẽ là cơ sở để thầy và trò Thủ đô bước vào năm học mới với tâm thế thoải mái, háo hức…, ngày khai giảng năm học mới sẽ thật sự là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.

Tuy nhiên, thực tế xem ra lại không hoàn toàn như vậy. Đến hẹn lại lên, có không ít áp lực đối với đối với cha mẹ học sinh và cả các cháu nhỏ khi năm học mới sắp bắt đầu.

Một trong những áp lực đó là việc chọn trường, chọn lớp, như một vòng xoáy căng thẳng, nhất là với những lớp đầu cấp. Chắc nhiều học sinh lớp 9 và các bậc cha mẹ hẳn chưa quên áp lực kỳ thi được coi là khó hơn cả thi vào đại học đối với để vào được lớp 10 trường công lập có chất lượng cao.

Giờ lại đến áp lực của việc chọn trường, chọn lớp của các em học sinh vào lớp 1 và lớp 6. Áp lực càng nặng nề hơn khi năm học này, số học sinh vào lớp 1, lớp 6 lần lượt tăng gần 12.000 và 39.000 so với năm học trước.

Có một thực tế hiện nay là để có thể vào một trường THCS công lập chất lượng cao cũng như một số trường tư thục, nhiều học sinh phải chuẩn bị ngay từ khi bước vào lớp 4 của cấp tiểu học, thậm chí từ năm lớp 1.

Theo cách nói của nhiều giáo viên và phụ huynh, lớp 4 là năm bản lề, đòi hỏi học sinh phải cố gắng rất cao. Để đáp ứng yêu cầu đó, các em phải theo những lớp học thêm ngay từ trong Hè, với các môn Toán, Văn, Tiếng Anh.

Không kể ngôi trường nổi tiếng THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với yêu cầu hồ sơ tiểu học của học sinh phải đạt gần như toàn 10 điểm, nhiều trường THCS khác cũng đặt ra điều kiện dự tuyển vào lớp 6 khá gắt gao.

Đơn cử là một trường ở quận Thanh Xuân: để có thể tham gia dự tuyển vào ngôi trường có chất lượng cao này, học sinh phải có điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 3, 4, 5 với môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh đạt 9 điểm/môn trở lên.

Nhiều trường THCS khác ở Hà Nội cũng đưa ra yêu cầu tương tự, có trường còn đưa ra tiêu chí xem xét từ năm lớp 1! Những yêu cầu đó, vô hình trung đã tạo ra một sức ép rất sớm, một cuộc đua đầy mệt mỏi ngay từ khi các em mới chập chững bước vào ngưỡng cửa nhà trường phổ thông.

Một câu hỏi đặt ra là vai trò của nhà trường, giáo viên ở đâu khi mà ngay từ lúc vào trường các em đã có thể đáp ứng một tiêu chuẩn cao, thể hiện khả năng học tập tốt như vậy?

Từ nhiều năm nay, Ngày khai giảng năm học mới còn được coi là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Đã là ngày hội, phải vui tươi, rộn rã, nhẹ nhàng, thoải mái. Nhưng xem ra với áp lực, mà việc chọn trường, chọn lớp chỉ là một ví dụ, ngày hội đó thực sự chưa trọn vẹn.

Vẫn biết là có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, tạo ra những áp lực như vậy, nhưng có lẽ nguyên nhân chính vẫn là tình trạng không đồng đều về chất lượng của các cơ sở giáo dục phổ thông trong cùng một địa bàn, một thực tế tồn tại từ nhiều năm nay.

Cũng bởi vậy, xin nói lên một mong ước trước thềm năm học mới: sao cho những áp lực đè lên học trò và cha mẹ các em sớm được cởi bỏ với những đổi mới, nỗ lực thực sự vì học trò của ngành giáo dục.