Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023: Đi tìm nguồn thu ổn định

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được tổ chức sáng nay (24/2) tại Bình Định, Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 là sự kiện thuộc chuỗi các hoạt động của Dự án Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024

Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 có sự tham gia của Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, cùng hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các quan báo chí Trung ương và địa phương trong cả nước tham dự.

Đánh giá thực trạng kinh tế báo chí hiện nay, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trước xu hướng sụt giảm doanh thu ngày càng rõ rệt nhưng các cơ quan báo chí còn lúng túng trong việc suy nghĩ giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Tình trạng này có một phần trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ cơ chế chính sách chưa đủ nhanh và chưa đủ kịp thời.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Do đó, Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 là cơ hội để các cơ quan báo chí chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt, giúp nền báo chí trong nước tiến về phía trước với tinh thần lạc quan, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định.

Phát biểu Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho rằng, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển. Đặc biệt giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương có thể từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn

Tuy nhiên, tình trạng chung của báo chí hiện nay là nguồn thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều cơ quan báo chí trong đó có cơ quan báo chí của tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn, báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo điện tử mà không thu được doanh số đáng kể. Truyền hình mất dần doanh thu, nguồn thu quảng cáo bởi các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến các cơ quan báo chí thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực.

Để tháo gỡ nút thắt này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đề nghị các cơ quan báo chí phải nhanh chóng chuyển sang cơ chế đặt hàng. Nhà nước vẫn đảm bảo ngân sách đặt hàng, đảm bảo nuôi sống cơ quan báo chí. hiện nay, chính quyền địa phương cũng như các sở, ngành đã bắt đầu quan tâm đến cơ chế đặt hàng báo chí, với các khoản kinh phí dành cho truyền thông. Như vậy, bài toán về kinh phí cho cơ quan báo chí hoạt động là có. Tuy nhiên, để việc này được triển khai thuận lợi, các cơ quan báo chí phải xây dựng định mức, đơn giá và phải có sự thống nhất từ cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan. Đối với những tác phẩm nằm trong cơ chế đặt hàng sẽ được nghiệm thu, đánh giá. 

Ngoài ra cơ quan báo chí có thể ký hợp đồng thêm với các đơn vị có nhu cầu về mặt truyền thông. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần ứng dụng công nghệ số. Nếu làm tốt việc này, các cơ quan báo chí sẽ hoạt động ổn định, đời sống đảm bảo, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Đa dạng nguồn thu

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho rằng, dù muốn hay không, vô hình trung, hiện nay, mỗi cơ quan báo chí ở dạng thức nào vẫn đang thực thi nhiệm vụ kép. Đó là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo cùng với làm kinh tế, thậm chí cả kinh doanh, để tồn tại.

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền
Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền

Tuy nhiên, tờ báo không phải tổ chức thành doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh lấy lợi nhuận kinh tế làm thước đo tồn tại và phát triển. Trước hết, tờ báo phải làm nội dung tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạo vị thế vững vàng, tạo nền tảng tốt trong dòng chảy thông tin báo chí cách mạng… sau đó mới có thể triển khai nhiệm vụ kinh tế báo chí.

Cần nhìn nhận, không làm kinh tế báo chí, không có nguồn thu thì tờ báo không duy trì hoạt động tòa soạn, trả lương cho người lao động trong khi nguồn kinh phí hỗ trợ của cơ quan chủ quản chỉ đáp ứng được một phần nhỏ hoạt động chi thường xuyên. Chưa nói đến đầu tư phát triển, đào tạo bồi dưỡng, hoạt động nghiệp vụ khác… Rõ ràng, thách thức của đơn vị sự nghiệp tự chủ nếu không làm tốt kinh tế báo chí thì hoạt động tòa soạn "èo uột", cứng nhắc, nghèo nàn, rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vai trò, vị trí, chức năng của tờ báo. Tờ báo không có sức hấp dẫn và yếu thế chạy theo, hạn chế vai trò của tờ báo trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Để tờ báo có thể làm kinh tế một cách bền vững, lâu dài, tránh tình trạng dựa vào tin “hot”, câu view, thậm chí là phá hoại doanh nghiệp để trục lợi … là điều không hề dễ dàng. Do đó, đơn đặt hàng sẽ là một kênh phát triển kinh tế báo chí trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ kép và sẽ mang lại "hiệu quả kép" vừa có đầu tư, nguồn lực cho tòa soạn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; vừa góp phần nâng cao nhận thức thực thi pháp luật, chấp hành pháp luật, sáng kiến pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân… Đây chính phương thức kinh tế báo chí xuyên thấm trong việc thực hiện tôn chỉ, mục đích góp phần vừa sáng tạo ra những sản phẩm kết tinh từ truyền thông vừa mang lại hiệu quả chính trị, kinh tế và xã hội, bà Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Còn theo Phó Trưởng ban điện tử Báo Nhân dân Ngô Việt Anh, với sự phát triển của công nghệ 4G, 5G cũng như smartphone ngày một phổ biến, nhu cầu của người đọc đã chuyển dần từ báo giấy sang phiên bản số, đi kèm với đó là sự dịch chuyển về nguồn thu đối với các cơ quan báo chí, từ in sang điện tử. 

Hiện tại, 3 nguồn thu chính của các cơ quan báo chí trên thế giới gồm: Từ khách hàng quảng cáo, truyền thông chính sách hoặc thương hiệu; Từ độc giả thông qua thu phí trên báo điện tử; Từ hoạt động liên kết, hợp tác để tạo những giá trị mới như tổ chức sự kiện, môi giới dữ liệu, thương mại điện tử, khai thác nội dung đã xuất bản... Đây cũng là những gợi ý cần thiết cho các cơ quan báo chí Việt Nam học tập và triển khai.

Để khai tác tốt doanh thu từ môi trường số, các cơ quan báo chí cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số cũng như ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động báo chí. Các tòa soạn cũng thay đổi cách tiếp cận truyền thông sáng tạo, tương tác và phân phối tin tức đa nền tảng. Thông tin xuất hiện bất cứ nơi nào có độc giả và chủ động đưa tin đến với độc giả thay vì cách tiếp cận truyền thống là độc giả tìm đến với thông tin. Không chỉ có một fanpage, nhiều cơ quan báo chí có fanpage cho từng chuyên mục, chương trình trên mạng xã hội Facebook. Nhiều tờ báo, đài truyền hình mở hàng chục kênh trên mạng xã hội, YouTube, Tik Tok để đưa thông tin đi xa hơn, rộng hơn, tiếp cận đối tượng độc giả mới và tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Thành công về nội dung báo chí thường đến trước và tạo tiền đề cho thành công trong kinh doanh báo chí. Do đó, các tòa soạn ưu tiên chiến lược phát triển nội dung khác biệt, sáng tạo đáp ứng nhu cầu của tập độc giả trung thành, song hành với chiến lược kinh doanh để thu hút khách hàng tiềm năng, ông Ngô Việt Anh chia sẻ.

 

Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023 diễn ra 2 phiên thảo luận, với 11 tham luận được các đại biểu, diễn giả, nhà nghiên cứu trình bày liên quan đến các vấn đề, như: Thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan đến cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ; chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta.