Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà:

Đỉnh dịch tháng 10, 11, Hà Nội tập trung cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Công tác xử lý ổ dịch chưa quyết liệt, triệt để, hiệu quả chưa cao

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tính từ đầu năm đến 24/9, toàn TP đã ghi nhận 12.776 trường hợp mắc SXH tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 547/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 94,5% số xã, phường, thị trấn); có 3 trường hợp tử vong liên quan tại Hà Đông, Hoàn Kiếm và Quốc Oai.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND TP Hà Nội.

Bệnh nhân có xu hướng tăng từ tuần 28 và gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 2.000 trường hợp; số mắc tăng so với cùng kỳ 2022 (3.698 mắc, 5 tử vong)… Dự báo, tình hình bệnh SXH sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Tính đến nay, toàn TP ghi nhận 870 ổ dịch, trong đó 613/870 ổ dịch (chiếm 70%) đã được khống chế, còn 257 ổ dịch đang hoạt động. Hiện, tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 2.286, trong đó có 9 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch SXH, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã phối hợp cùng với Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát ca bệnh, giám sát ổ dịch và giám sát tình hình muỗi truyền bệnh để đánh giá nguy cơ và cảnh báo dịch.

Trong 9 tháng đầu năm, đã thực hiện giám sát chủ động tại 69 bệnh viện trong và ngoài công lập (hơn 5.200 lượt giám sát, trung bình 2 lượt/tuần/cơ sở). Kết quả, đã phát hiện 10.805 ca bệnh SXH.

Nhận định về tình hình dịch SXH hiện nay, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, biện pháp phòng, chống tập trung vào 2 nội dung chính, đó là diệt bọ gậy và xử lý ổ dịch triệt để.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, công tác xử lý ổ dịch SXH của các đơn vị còn chậm, chưa quyết liệt, triệt để và hiệu quả không cao. Cụ thể là việc khoanh vùng phun hóa chất còn hẹp, tỷ lệ phun thấp; bỏ sót ổ bọ gậy, dẫn tới chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ. Vùng nguy cơ cao có dịch SXH là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị giao ban, đại diện quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông, Bắc Từ Liêm; huyện Thạch Thất… đã báo cáo tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục các giải pháp như nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra, tập trung hơn nữa đối với địa bàn có ổ dịch như vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân…

Đỉnh dịch rơi vào tháng 10, 11, triển khai giải pháp phòng bệnh hiệu quả

Đề cập đến công tác phòng, chống dịch, Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho rằng, các địa phương phải tiến hành phòng, chống SXH một cách bài bản, hiệu quả, đi từng ngõ, gõ từng nhà.

Trước khi triển khai chiến dịch cần tuyên truyền, thông báo để người dân cùng vào cuộc. Đội xung kích có nhiệm vụ hướng dẫn người dân. Sau mỗi chiến dịch vệ sinh môi trường phải có đội giám sát xem hiệu quả đến đâu. Riêng với việc phun hóa chất phải bảo đảm an toàn cho người dân là số 1.

Trước khi phun, thông báo cho người dân che đậy các vật dụng và ra khỏi nhà trong 15 phút. Với những người không chấp hành việc phun hóa chất, cần phải xử phạt nghiêm” - Giám đốc CDC nhấn mạnh.

Kết luận tại hội nghị giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà nhấn mạnh, dịch SXH đang diễn biến phức tạp, dự báo, số ca tiếp tục tăng với nhiều ca nặng. Các nhà chuyên môn cho rằng, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 10, 11.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến.

Do đó, các sở, ngành cùng các địa phương cần nhận thức rõ để triển khai các giải pháp phòng bệnh hiệu quả. “Thời tiết mưa – nắng thất thường là điều kiện phù hợp để muỗi sinh trưởng và phát triển làm nguồn gây bệnh SXH. Để giải quyết triệt để, cần phải cắt đứt nguồn lây bệnh…”, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý.

Theo lãnh đạo UBND TP, các đơn vị, địa phương cần phải có những biện pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh. Trước tiên, cần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch SXH. Chính người dân phải nhận thức được nguy có để tự bảo vệ bản thân và gia đình.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cũng thông tin, TP sẽ ban hành kế hoạch cao điểm về truyền thông phòng, chống dịch SXH. Vì vậy, đề nghị Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch tuyên truyền với nội dung thiết thực, hiệu quả; tuyên truyền thường xuyên, liên tục để nâng cao hơn nữa ý thức người dân.

Đồng thời, lãnh đạo TP đề nghị các sở, ngành thực hiện nghiêm chế độ theo dõi, báo cáo thông tin, tránh chỉ ban hành kế hoạch nhưng triển khai không hiệu quả…

“Kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch SXH TP nhằm phân công lại nhiệm vụ, trong đó, phân nhiệm rõ ràng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng địa bàn và tiến hành kiểm tra, giám sát. Sau kế hoạch truyền thông là một đợt tổng kiểm tra các địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đề nghị.

Thông tin về công tác tổng kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, Ban Chỉ đạo TP sẽ dành tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất và thường xuyên hơn. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm các đơn vị đã được TP tháo gỡ, song vẫn còn tồn tại…

Bên cạnh đó, TP giao Sở GD&ĐT tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh, phổi hợp với Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Giao các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, phân công kiểm tra, giám sát, tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn…

“Nếu chúng ta làm tốt, triển khai hiệu quả các giải pháp, sẽ bảo vệ sức khoẻ của người dân. Đồng thời, mong muốn các địa phương cần tập trung cao hơn, triển khai hiệu quả biện pháp kiểm soát dịch bệnh…” - Phó Chủ tịch lưu ý.