Định hướng chuẩn mực ứng xử cho người Hà Nội

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bộ quy tắc ứng xử (QTƯX) dành cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là cần thiết.

Điều được nhất của bộ quy tắc là đưa ra được quy định công chức phải đi làm đúng giờ, lễ phép đúng mực với người dân, xử lý công việc đúng pháp luật và đúng thời hạn” - đó là nhận xét của TS Nguyễn Văn Vịnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và Phát triển. Dù chưa đong đếm được hiệu quả của Bộ quy tắc khi đi vào thực tiễn, nhưng cũng góp phần định hướng chuẩn mực ứng xử của người Hà Nội.
Hết cảnh bỏ việc đi lễ chùa
Các địa điểm du Xuân tâm linh của Hà Nội như Phủ Tây Hồ, chùa Quán Sứ… trong 2 ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết (mùng 6 và 7 tháng Giêng, tức mùng 2 và 3/2/2017) vẫn đông nghịt người đi lễ. Nhiều người không thể chen chân vào được khu vực đền chính cũng như khu thờ Mẫu để lễ, mà chỉ có thể vái vọng. Thế nhưng, theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết du khách đi lễ là người buôn bán tự do đến chùa cầu một năm làm ăn thuận hòa, phát đạt. Bãi gửi xe ở gần Phủ Tây Hồ có nhiều xe mang biển số ngoại tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng… chứ không phải "chiếm số đông" là biển 29 hay 30 như mọi năm.

Cán bộ UBND phường Kim Giang, quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân làm thủ tục

hành chính. Ảnh: Phạm Hùng
Ngược với cảnh tấp nập nơi chùa chiền, các công sở, cơ quan Nhà nước trên địa bàn Thủ đô, cán bộ nhiều hơn người dân. Khu vực để xe của cán bộ, nhân viên tại nhiều trụ sở chật kín; khu vực làm việc, sàn nhà cũng được vệ sinh sạch sẽ trong những ngày đầu năm mới. Sáng ngày 2 và 3/2, tại UBND phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân), chỉ có chưa đầy 10 người dân đến làm thủ tục xin dấu, nộp tiền BHXH, công chứng giấy tờ (ngày thường trong năm, lượng người dân đến phường làm thủ tục lên đến con số hàng trăm). Bà Ngô Mỹ Linh – Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Bắc cho biết: Thực hiện chỉ đạo của TP, UBND phường đã quán triệt các cán bộ, nhân viên phải nghiêm túc trong ngày đầu tiên làm việc. Trong ngày đầu làm việc, các cán bộ phải có mặt tại cơ quan đầy đủ, đúng giờ để tiếp đón phục vụ người dân. Mặc dù Bộ QTƯX dành cho CBCCVC, người lao động mới được TP ban hành nhưng từ trước, phường đã yêu cầu cán bộ đang làm việc trong cơ quan, đặc biệt là bộ phận Một cửa phải chú ý đến cách giao tiếp, sử dụng trang phục phù hợp với nơi công sở. Hàng năm, phường còn tổ chức tập huấn tác phong giao tiếp cho cán bộ làm việc tại bộ phận tiếp dân. Không chỉ ở phường Thanh Xuân Bắc, các phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), Trung Hòa (quận Cầu Giấy)… đều chấp hành nguyên tắc làm việc nghiêm túc sau nghỉ Tết, không "ăn lận" giờ làm việc để đi lễ, vui chơi cá nhân.
Sống và gắn bó với Hà Nội, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đánh giá hoạt động tiếp dân của nhiều phường, quận của Hà Nội đã tiến bộ so với trước. Ông Chức lấy ví dụ ngay tác phong làm việc của cán bộ phường Liễu Giai (quận Ba Đình) - nơi ông sinh sống đã thật sự khởi sắc so với 5 năm trước: "Nếu như trước đó đến phường, tôi thấy buồn vì bộ mặt ỉu xìu, không bàn, không ghế, thì đến nay, trụ sở của phường đã được cải tạo cơ bản về hình thức, có hàng ghế nhựa, có bảng thông báo ngày giờ giải quyết từng công việc ở cổng đảm bảo lợi ích cũng như thuận tiện cho người dân có công việc đến phường. Không chỉ ở phường Liễu Giai, mà nhiều quận như Long Biên, Đống Đa… đều đã chú trọng đến việc cải cách hành chính thuận tiện cho người dân".
Ráo riết thực hiện Quy tắc ứng xử
Công chức Hà Nội đang phấn đấu có những hình ảnh đẹp trong mắt người dân. Nhưng rõ ràng, Thủ đô đang chứng kiến sự thay đổi đột ngột về thành phần dân cư, nên nếp sống, nếp nghĩ vì thế mà thay đổi theo. Theo ông Chức, không chỉ riêng Hà Nội mà trên cả nước đang báo động về tình trạng lệch chuẩn ứng xử của CCVC với Nhân dân. Không ít cán bộ có chút vai trò giải quyết những thủ tục hành chính luôn tỏ ra "hành dân". Những việc làm này khiến nền hành chính của Hà Nội xảy ra những điều tiếng xấu. Chính vì vậy, ngày 25/1, UBND TP Hà Nội đã ban hành Bộ QTƯX của CBCCVC, người lao động trên địa bàn TP sau khi lắng nghe những góp ý. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan của TP Hà Nội triển khai thực hiện đồng loạt ngay sau Tết.
“Ngay sau khi nhận được Quyết định ban hành Bộ QTƯX của CBCCVC, người lao động trong cơ quan thuộc TP Hà Nội, Phòng VH&TT huyện Sóc Sơn, với chức năng tham mưu chính cho UBND huyện về vấn đề này sẽ tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến Bộ QTƯX đến thủ trưởng các cơ quan trực thuộc huyện. Có thể chúng tôi sẽ in Bộ QTƯX đến tận tay từng thủ trưởng cơ quan, sau đó phổ biến lại nội dung của từng quy định trong Bộ QTƯX để thủ trưởng các cơ quan căn cứ để thực hiện, đề ra một số nội dung riêng phù hợp với đơn vị mình” - ông Đoàn Văn Sinh – Trưởng phòng VH&TT huyện cho biết.
Sở VH&TT Hà Nội được giao là đơn vị thường trực triển khai, tổ chức thực hiện cũng ráo riết chuẩn bị những phần việc ngay những ngày sau Tết. “Bộ quy tắc là định hướng các chuẩn mực chứ không phải một văn bản pháp quy cứng nhắc. Bộ quy tắc sẽ là một trong những chuẩn mực góp phần làm tiêu chí đánh giá cuối năm của CBCC ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bao giờ cũng có mục tác phong, lối sống, quan hệ với đồng nghiệp, với Nhân dân...” – Giám đốc Sở VH&TT Tô Văn Động cho biết.
Hà Nội đang xây dựng giá trị văn hóa được thế giới thừa nhận, nghĩa là phải hội nhập được cả về văn hóa ứng xử văn minh chung của nhân loại. Chính vì vậy, hy vọng Bộ QTƯX của CBCCVC, người lao động trong cơ quan thuộc TP sẽ sớm đi vào thực tiễn để hình ảnh của Thủ đô không chỉ đẹp lên trong mắt người dân mà còn đẹp lên trong con mắt của bạn bè thế giới.
Còn tình trạng công chức vắng mặt trong giờ làm việc
Tiếp tục thực hiện chương trình kiểm tra việc chấp hành kỷ cương hành chính sau Tết Đinh Dậu 2017 tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, ngày 3/2, Đoàn kiểm tra công vụ TP do Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra tại 5 đơn vị: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), UBND phường Sơn Lộc, UBND phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây), UBND xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) và UBND thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng).
Tại thời điểm kiểm tra, lúc 14 giờ 15 phút, UBND xã Tản Lĩnh vắng mặt 1 Phó Chủ tịch UBND xã và 2 công chức, chỉ có 11/14 cán bộ, công chức có mặt tại cơ quan. Tương tự, tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lúc 9 giờ 30 phút cũng có 2 công chức phòng Hành chính - Tổng hợp vắng mặt. Đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND xã Tản Lĩnh nghiêm túc báo cáo về số lượng lãnh đạo UBND xã và công chức cấp xã vắng mặt (bằng văn bản) gửi về đoàn chậm nhất vào ngày 7/2/2017, trong đó nêu rõ lý do vắng mặt. (Linh Chi)

Sở VH&TT với trách nhiệm là cơ quan thường trực triển khai, tổ chức thực hiện QTƯX sẽ lên kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, có thể là in tờ rơi để cán bộ dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường chức năng giám sát, kiểm tra đối với các đối tượng là cán bộ được điều chỉnh thực hiện trong quy tắc, đang làm việc trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội
Ông Tô Văn Động  Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội 

Tại các cơ quan công quyền của Thăng Long – Hà Nội xưa kia chưa bao giờ phải đưa ra những quy định về tác phong ăn mặc, giao tiếp. Song ai cũng thầm hiểu đã là người Hà Nội phải ăn nói nhẹ nhàng, đàn ông mặc áo dài khăn xếp, phụ nữ ăn mặc kín đáo… Đến nay, trước sự xô bồ, cách quy ước thầm này bắt đầu bị phá vỡ nên rất cần một Bộ quy tắc để chấn chỉnh lại hành vi ứng xử của mọi người, làm sao để người Hà Nội luôn giữ được hình ảnh trong câu nói: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.
GS  Lê Văn Lan

Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội