Định kiến giới, bất bình đẳng giới: Rào cản cần xóa bỏ

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong số các quốc gia sớm xóa bỏ khoảng cách giới. Tuy nhiên, vấn đề định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối.

Ngày 18/10, tại toà nhà Liên hợp quốc, nhóm G4 bao gồm Đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand, Thuỵ Sĩ cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức toạ đàm "Giới và Báo chí".

Quang cảnh buổi toạ đàm
Quang cảnh buổi toạ đàm

Toạ đàm được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, với mong muốn tạo ra một không gian để các nhà báo cùng các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về giới trong các hoạt động báo chí.

Phát huy vai trò của báo chí trong thúc đẩy bình đẳng giới

Phát biểu tại tọa đàm, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam nhấn mạnh, bình đẳng giới là quyền con người và đã được nêu trong các chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững. Bà đề cập tới những quyền năng của báo chí, trong đó có định hình góc nhìn của độc giả trong các vấn đề, trong đó có bình đẳng giới.

Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

Ông Patrick Haverman - Phó đại diện thường trú đại diện UNDP tại Việt Nam cho hay, báo chí đóng vai trò giúp đấu tranh cho bình đẳng giới thông qua những bài báo, khi đưa tin về những vấn đề liên quan tới giới. Báo chí đóng vai trò tác nhân của thay đổi, có thể định hình tiến trình hướng tới bình đẳng giới.

Theo TS Minelle Mahtani (Đại học Bristish Colombia, Canada) - nhà báo, giáo viên dạy chuyên ngành báo chí nêu quan điểm: Nhà báo cần có kiến thức về giới, rất cẩn thận khi đưa tin bài về giới để thu hút sự chú ý của giới. Một bài báo khi nói về phụ nữ phải nói về bản chất của người phụ nữ thay vì vẻ bề ngoài của người phụ nữ đó.

Truyền thông về phòng, chống bạo lực giới vẫn còn hạn chế

Trao đổi tại toạ đàm, bà Trần Hoàng Lan - Trưởng Ban Gia đình (Báo Phụ nữ Thủ đô) cho biết, từ khi thành lập, báo đã xác định tôn chỉ, mục đích hoạt động là diễn đàn về giới, bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Bên cạnh những thuận lợi như báo luôn được tạo điều kiện trong đưa tin về giới, bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới. Tuy nhiên, là tờ báo giới, Phụ nữ Thủ đô cũng đang chịu định kiến về giới của xã hội, đã cản trở phạm vi hoạt động, đề tài của phóng viên.

Bà Trần Hoàng Lan - Trưởng Ban Gia đình (Báo Phụ nữ Thủ đô) trao đổi tại toạ đàm
Bà Trần Hoàng Lan - Trưởng Ban Gia đình (Báo Phụ nữ Thủ đô) trao đổi tại toạ đàm

Trong khi đó, bà Vũ Hương Thủy - Phó Ban tin trong nước (Thông tấn xã Việt Nam) chia sẻ, công tác thông tin truyền thông về phòng, chống bạo lực giới vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, thông tin chưa thường xuyên, liên tục; hình thức truyền thông chưa phong phú, đa dạng.

“Để công tác tuyên truyền thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới có hiệu quả trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức và địa phương cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tham gia vào quá trình xây dựng chính sách. Các cơ quan báo chí cần được tiếp cận nhanh nhất những nguồn tin chính thức, chính thống liên quan vấn đề bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới…” - bà Vũ Hương Thủy nêu quan điểm.

Hiện vẫn còn những rào cản và thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, truyền thông và các giải pháp về chính sách pháp luật thì việc đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông cũng là một cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội, tiến tới bình đẳng giới.