Doanh nghiệp đang bỏ lỡ 60-70% ưu đãi thuế quan do FTAs mang lại

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cho đến nay các DN mới chỉ tận dụng được 30 - 40% ưu đãi về thuế quan mà các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) hiện có mang lại, điều này có nghĩa DN đã bỏ lỡ 60 - 70% các ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu”.

Thông tin trên được ông Vũ Tiến Lộc cho biết bên lề Hội thảo về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – Các cam kết cơ bản và những lưu ý cho DN do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/5.
 Quang cảnh tọa đàm ngày 22/5
Trước đó tại hội thảo, ông Lộc khẳng định: “Việc ký kết Hiệp định CPTPP và triển khai là tin vui cho cộng đồng DN và nền kinh tế Việt Nam. Cho đến nay chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định tự do, xúc tiến bảo hộ đầu tư với nhiều nền kinh tế, nhưng CPTPP là đỉnh cao nhất về mở cửa thị trường và là tiêu chuẩn để thúc đẩy cải cách thể chế trong nước”.

CPTPP không có Hoa Kỳ, nhiều nội dung cam kết đã thay đổi so với TPP trước kia. Lợi ích mở rộng thị trường xuất khẩu rộng lớn mà Việt Nam kỳ vọng đã không còn, cơ hội chuyển hướng sang các thị trường khác mà Việt nam chưa hẳn đã quen thuộc nhưng vẫn rất nhiều tiềm năng. “Chúng ta ngay lập tức có thị trường thương mại tự do với 3 nền kinh tế lớn ở Châu Mỹ là Canada, Mexico, Peru, chúng ta nâng cấp được 7 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với các đối tác còn lại trong CPTPP” - ông Lộc nói.

Trong TPP, Việt Nam nói nhiều tới cơ hội xuất khẩu của ngành dệt may, giày dép, nông sản ở thị trường lớn Hoa Kỳ. Còn trong CPTPP, những cái tên tiềm năng khác lại được nêu hàng đầu, như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá… Ngoài ra, các lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư, mua sắm công… cũng sẽ thay đổi đáng kể.

Tác động mở cửa thị trường là lớn nhưng tác động lớn hơn, toàn diện hơn và quan trọng hơn là CPTPP tạo ra áp lực, cơ hội và chuẩn mực cho thúc đẩy cải cách. “CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình” - ông Lộc nhấn mạnh. Chính vì vậy, Chủ tịch VCCI cho rằng, thách thức trong thực thi CPTPP không hề nhỏ so với thực thi TPP và tất nhiên là lớn hơn nhiều so với với các Hiệp định thương mại tự do trước đây.

Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, 2-3 năm trước nói đến TPP và cam kết hội nhập, DN rất ngại, nhưng rồi từng bước các DN đã vươn lên và có thể cạnh tranh với các DN nước ngoài, đó là nhờ sức ép từ hội nhập. Thách thức từ CPTPP cũng vậy, các DN sẽ buộc phải đổi mới công nghệ và thay đổi mô hình kinh doanh.

Còn nói như ông Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM), CPTPP sẽ mở ra các chân trời với các cách kiếm tiền khác nhau, không chỉ là thúc đẩy xuất nhập khẩu truyền thống, đẩy mạnh tiêu dùng, mà sẽ tạo ra các DN cung cấp theo chuỗi, các lĩnh vực dịch vụ mới.

Do đó, DN muốn tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP thì cần chủ động tiếp cận, nghiên cứu thông tin về Hiệp định. Theo khảo sát của VCCI, cho đến nay các DN mới chỉ tận dụng được 30 - 40% các ưu đãi về thuế quan mà các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) hiện có mang lại, điều này có nghĩa DN đã bỏ lỡ 60 - 70% các ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu. “Tuy nhiên, các ưu đãi thuế quan, giảm thuế chỉ là điều kiện cần để DN thúc đẩy xuất khẩu, quan trọng hơn cả là DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm/ dịch vụ của mình đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế vì khi thuế quan giảm xuống thì đồng nghĩa các nền kinh tế sẽ dựng lên các hàng rào kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm…” – ông Lộc lưu ý.

Bên cạnh đó, các DN cần chung tay với Chính phủ bám sát cam kết về cải cách thể chế trong CPTPP, bằng cách đó DN vừa đẩy mạnh được hoạt động kinh doanh, vừa chung tay với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh, cả hai việc này sẽ tạo ra sự phát triển cho DN.

Theo một nghiên cứu của Nhật Bản, đối với trường hợp của Việt Nam, những lợi ích từ thuế quan trong CPTPP chỉ giúp GDP của chúng ta tăng 1.1%, chưa bằng 1/6 lợi ích mà TPP hứa hẹn; nhưng lợi ích từ cải cách thể chế (mà chỉ xét về các hàng rào phi thuế) mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%. Vấn đề đặt ra là làm sao cải cách thể chế kinh tế theo yêu cầu của CPTPP cộng hưởng với những cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang thúc đẩy. Làm sao để cả các cơ quan Nhà nước và DN cùng vào cuộc, để cả hệ thống cải cách một cách thực chất, toàn diện và hiệu quả. “CPTPP là cơ hội, cũng là sức ép, là tiêu chuẩn để chúng ta cải cách vì lợi ích và nhu cầu của chính mình” – ông Lộc khẳng định.

Ngoài ra, vai trò của hiệp hội DN trong thực thi Hiệp định cũng rất quan trọng, đại diện VCCI khẳng định cơ quan này và Bộ Công Thương cùng các hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo để phổ biến các cam kết, tư vấn giúp DN tận dụng cơ hội từ CPTPP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần