Doanh nghiệp làm gì để thực thi CPTPP hiệu quả hơn?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- 5 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo cơ hội lớn cho Việt Nam về xuất khẩu hàng hóa. Việc cần làm của các doanh nghiệp hiện tại là tập trung nâng chất lượng sản phẩm và gia tăng thị phần tại thị trường này.

Lợi ích nổi bật nhất là xuất khẩu

5 năm qua, lợi ích nổi bật của Việt Nam khi tham gia CPTPP đó là mở cửa thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, trong CPTPP, ngoài việc tập trung khai thác thị trường các thành viên đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN, Australia, Nhật Bản, Chilê… Việt Nam còn đẩy mạnh xuất khẩu vào 3 thị trường chưa có FTA song phương là Canada, Mexico, Peru.

Một gian hàng của doanh nghiệp Việt tại hội chợ nguồn cung dệt may Canada 2023 tại Toronto. Ảnh: moit.gov.vn
Một gian hàng của doanh nghiệp Việt tại hội chợ nguồn cung dệt may Canada 2023 tại Toronto. Ảnh: moit.gov.vn

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh, trong khoảng 4 năm, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang 3 thị trường Canada, Mexico, Peru có kết quả rất tích cực, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%, kể cả trong thời gian đại dịch Covid-19; những mặt hàng thế mạnh, tăng trưởng cao nhất là thủy sản và dệt may. Ngoài ra thặng dư thương mại mà Việt Nam có được từ 3 thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia. Đây là lợi ích có được từ cam kết cắt giảm thuế sau 5 năm CPTPP đi vào thực thi.

Ngay cả năm 2023, có rất nhiều khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu, thị trường trên 500 triệu dân này đạt kim ngạch xuất khẩu mức cao, với khoảng 100 tỷ USD. Thị trường CPTPP cũng luôn đạt thặng dư thương mại nghiêng về xuất siêu. Điều này phản ánh các doanh nghiệp Việt Nam đã dần dần nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội từ các FTA nói chung và CPTPP nói riêng.

Nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: CPTPP lại là FTA đầu tiên mà Việt Nam có sự tấn công tổng lực vào thị trường châu Mỹ. Cụ thể là tiếp cận thị trường của Nam Mỹ là Peru và Chile cùng với 2 thị trường Bắc Mỹ là Canada và Mexico. Chính những điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam để tiếp cận một thị trường rất nhiều tiềm năng.

Cải tiến chất lượng sản phẩm để nâng sức cạnh tranh

Dù đã đạt kết quả tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, song theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam sang thị trường CPTPP còn thấp. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tạo được thương hiệu riêng có khả năng cạnh tranh, thậm chí nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn mang thương hiệu nước ngoài.

Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường khối CPTPP. Ảnh minh họa
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường khối CPTPP. Ảnh minh họa

Đáng nói, không ít mặt hàng mặc dù thị trường đang có nhu cầu lớn, nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chưa khai thác hết và mức độ thâm nhập chưa nhiều. Trong khi đó, rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp trong nước hiện nay này là đáp ứng được các điều kiện, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ…

“CPTPP có rất nhiều những quy định về xuất xứ hàng hóa. Đối với từng hình thức đó thì các doanh nghiệp phải có quá trình về tổ chức sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào, quá trình canh tác, quá trình đánh bắt… Điều này đòi hỏi người sản xuất, doanh nghiệp phải tập hợp đầy đủ tất cả hồ sơ, chứng từ để chứng minh được nguồn gốc. Đây là khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay” – ông Trần Thanh Hải phân tích.

Lưu ý về những thách thức từ CPTPP trong thời gian tới, ông Ngô Chung Khanh thông tin, nhiều đối tác đã có thư gửi bày tỏ mong muốn được tham gia CPTPP như Trung Quốc, Philippines, Thái Lan…

Việc CPTPP có thêm nhiều thành viên sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại và đầu tư của các thành viên, nhưng chắc chắn mức độ cạnh tranh sẽ lớn hơn. Do đó, cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cần chú trọng gia tăng giá trị cho sản phẩm thông qua cải tiến chất lượng sản phẩm, phù hợp tiêu chí, thị hiếu và các yêu cầu của thị trường. Đặc biệt là hướng tới các sản phẩm xanh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường… bởi đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao.