Độc đáo nghệ thuật múa rối nước ở làng Đào Thục

Bài, ảnh: Thành Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với bề dày lịch sử gần 300 năm tuổi, phường múa rối nước làng Đào Thục (xã Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) chẳng những là địa chỉ du lịch độc đáo, mà còn là nơi lưu giữ bề dày văn hóa của đất nước, con người Việt Nam.

 Văn bia ở đình làng Đào Thục có ghi, ông tổ của nghề múa rối nước ở đây là Nguyễn Đăng Vinh làm chức Nội giám thời nhà Lê. 
 Sau khi trở về làng, ông đã truyền dạy lại cho con cháu 3 nghề: Dệt vải, làm mộc và múa rối nước.
 Trải qua bao biến cố gần 300 năm, một thời gian dài ngừng hoạt động do đất nước có chiến tranh, nghệ thuật rối nước cổ truyền vẫn không hề mai một. 
 Hàng năm, vào ngày 24/2 Âm lịch, dân làng vẫn làm lễ dâng hương tưởng nhớ công đức của ông tổ nghề. 
 Trong không gian thủy đình mang đậm nét kiến trúc tiêu biểu cho làng quê Bắc bộ, những con rối bằng gỗ vô tri vô giác được các nghệ nhân thổi hồn, trở nên sinh động trên sân khấu nước. 
 Động tác của những con rối ăn khớp với lời thoại, lời hát và tiếng đàn, tiếng trống khiến du khách không thể rời mắt theo các câu chuyện dân gian về văn hóa và con người Việt Nam.
 Trong đó phải kể đến các tiết mục: Múa Rồng, Cá bơi lội, Thạch Sanh đánh trăn tinh, Múa Phượng, Hát Văn... 
 Hẳn thế nên đồng bằng Bắc bộ có đến 14 phường rối nước dân gian, nhưng rối nước Đào Thục vẫn nổi tiếng nhất.
 Hậu trường bên trong thủy đình (được xây dựng giữa ao làng), các nghệ sĩ của làng phải lội nước ngập qua bụng kể cả ngày hè oi nóng và mùa đông giá buốt để điều khiển những con rối gỗ. 
 Từng động tác kết hợp giữa dây và sào được thực hiện rất linh hoạt và thuần thục với sự sáng tạo không ngừng. 
 Con rối không chỉ lắc đều vung vẩy được cả hai tay, dễ dàng sang trái, sang phải mà còn đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại (không giống như các phường rối khác chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo). 
 Đến với Phường múa rối nước dân gian Đào Thục, khán giả không chỉ được thưởng thức những tiết mục đặc sắc mà còn được tặng trầu têm cánh phượng, uống trà và ăn kẹo lạc miễn phí.
 Điều độc đáo nữa là những “nhân vật” gỗ này được chính người dân trong làng Đào Thục tạo nên, chiều cao khoảng 30 - 40cm. Rất nhiều “thượng đế” đã rinh chúng về làm quà, làm kỷ niệm.
 Phường múa rối nước dân gian Đào Thục đã đi biểu diễn khắp các tỉnh, TP trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới.
 Nhưng, có lẽ xem múa rối dân gian tại cái nôi của nghệ thuật này giữa bầu không khí làng quê, giao lưu với nghệ nhân, thăm đình chùa và mua sắm đồ lưu niệm... mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp, và những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.