Đôi điều về Nghị định 45/2019/NĐ-CP: Ai đáng bị phạt khi du khách trốn ở lại nước ngoài?

Nguyễn Trần Việt Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một dòng trong Nghị định 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 05 năm 2019 (NĐ 45) đang gây ra nhiều bối rối và hoang mang trong giới kinh doanh du lịch.

Nghị định quy định về xử phát hành chính trong lĩnh vực du lịch, trong đó điểm c - khoản 13 - Điều 7 quy định Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành sẽ bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật".
Không nhắc tới mặt tích cực của NĐ 45 trong nỗ lực đưa hoạt động du lịch vào nề nếp, bài viết này xin chỉ bàn đến hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài... trái pháp luật".
Thứ nhất, NĐ 45 xuất phát từ quan niệm, người đi du lịch đều mua chương trình trọn gói của DN kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Việt Nam (sau đây gọi là công ty du lịch), đi theo đoàn lớn và có hướng dẫn viên đi kèm. Như vậy, công ty du lịch có trách nhiệm quản lý khách từ đầu chương trình đến cuối và phải đưa khách đi đến nơi về đến chốn.
Quan niệm như vậy không khớp với thực tế, bởi các dịch vụ du lịch rất đa dạng, trong thời gian ở nước ngoài khách du lịch không phải lúc nào cũng nằm trong quản lý của công ty du lịch và không phải lúc nào cũng có người bám sát để quản lý khách. Điều này cũng trái với định nghĩa về hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trong Luật Du lịch 2017, là "việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch".
Như vậy, nếu không cung cấp dịch vụ trọn gói thì công ty du lịch không thể ngăn cản khách bỏ trốn được.
Thứ hai, kể cả khi đoàn khách đi theo chương trình trọn gói, hướng dẫn viên du lịch là người đại diện duy nhất của công ty du lịch theo suốt hành trình. Nhiệm vụ của họ là quán xuyến chỗ ăn chỗ ở, điểm tham quan, phương tiện vận chuyển, thuyết minh... cả ngày, đến tối dẫn khách đi chơi, giải quyết những trục trặc có thể xảy ra. Liệu hướng dẫn viên cần bao nhiêu cái đầu, bao nhiêu đôi tai và con mắt để quản chế toàn bộ du khách trong một đoàn trung bình 15 - 20 người?
Do đó, NĐ 45 bắt các công ty du lịch biến hướng dẫn viên thành cảnh sát là không thực tế.
Thứ ba, để thực hiện được NĐ 45, công ty du lịch chỉ còn cách thắt chặt khâu xét duyệt hồ sơ xin visa. Vai trò của công ty du lịch là cung cấp bằng chứng về các dịch vụ như máy bay, khách sạn, chương trình tour... Các công ty du lịch có thể đưa ra những lời khuyên về hồ sơ visa hay xếp hàng nộp hộ khách, nhưng việc xét duyệt và quyết định cấp visa luôn thuộc về các cơ quan lãnh sự của từng quốc gia.
Trừ Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay trao một phần trách nhiệm sơ tuyển hồ sơ visa (sẽ bàn kỹ hơn ở dưới), tất cả các nước khác đều tự mình xét duyệt visa cho du khách mà không hề xem xét đến việc vé máy bay hay chương trình tour là của công ty du lịch nào, mà thường đây cũng chỉ là một phần của hồ sơ xin visa.
Vậy nếu cơ quan lãnh sự của quốc gia đến đã đồng ý cấp visa cho du khách thì công ty du lịch liệu có cơ sở gì phán đoán người khách đó có thể trốn ở lại để từ chối dịch vụ?
Thứ tư, Hàn Quốc và Nhật Bản cho phép một số công ty du lịch được thu phí sơ tuyển hồ sơ, đại diện cho khách nộp visa cho khách, nghĩa là PHẢI tư vấn và gạn lọc hồ sơ. Khi đó những hồ sơ từ các công ty du lịch này ĐƯỢC xét duyệt nhanh hơn và có tỷ lệ đậu cao hơn. Tuy nhiên, họ đều áp dụng biện pháp chấm điểm và áp dụng phạt (cấm quyền ưu tiên từ 1 tuần đến vài tháng hay vĩnh viễn) đối với những công ty du lịch có khách ở lại bất hợp pháp (Hàn Quốc tổng kết trong 6 tháng/lần, áp dụng phạt cho tỷ lệ khách ở lại bất hợp pháp từ 0,3% trở lên, đến 20% mới bị cấm vĩnh viễn).
Như vậy, muốn áp dụng chế độ phạt thì phải có biện pháp quản lý. Các cơ quan lãnh sự nắm chắc số lượng người Việt bỏ trốn để đưa ra hình phạt thích hợp. Vậy liệu các cấp có thẩm quyền của Việt Nam sẽ có cách cập nhật thông tin một cách hệ thống để biết được ai là người bỏ trốn tại từng nước? Hay hình phạt đưa ra chỉ là cái thòng lọng hờ, để đến khi có vụ việc đình đám nào hay dư luận gắt gao quá thì đem ra dùng?
Quan trọng hơn, trong đa số trường hợp, công ty du lịch không thể kiểm soát được du khách mọi nơi mọi lúc thì không thể chịu trách nhiệm về hành động bỏ trốn của họ. Dựa vào lý lẽ như trong NĐ 45 thì cũng cần có quy định xử phạt các công ty xuất khẩu lao động đã tuyển dụng, huấn luyện, bảo lãnh visa cho hàng chục nghìn (nếu không nói hàng trăm nghìn) người lao động đang trốn lại làm chui tại các nước tiếp nhận.
Thứ năm, các nhà chức trách trên thế giới có cách xử phạt ở mức độ khác nhau, kể cả tù giam, đối với các vụ trốn ở lại. Người bị phạt thường là chính đương sự, đôi khi là những kẻ chứa chấp ở nước sở tại, nhưng không bao giờ là người tư vấn và nộp visa giúp như các công ty du lịch Việt Nam.
Một câu hỏi nữa đặt ra là, tại sao lại dùng luật Việt Nam để trừng trị một hành vi phạm luật quốc gia khác?
Thứ sáu, nói như trên không có nghĩa là cổ súy cho những hành vi phạm pháp hay định cãi trắng cho các công ty du lịch. Công ty du lịch nào tạo dựng hồ sơ giả, tham gia vào các đường dây buôn người, vượt biên đều phải bị trừng trị thích đáng. Điều này đã được quy định trong Luật Du lịch - Điều 9, nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch, trong đó Khoản 2 chỉ đích danh việc "Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật".
Hành vi cố tình lợi dụng hoạt động du lịch để tổ chức đưa người ra nước ngoài trái pháp luật khác xa với việc một công ty du lịch "trót dại" nộp giúp hồ sơ xin visa cho một người sau đó bỏ trốn.
Cuối cùng, các DN kinh doanh dịch vụ lữ hành đang nín thở chờ đợi hướng dẫn thực hiện NĐ 45. Tiên lượng sẽ rất khó có một hướng dẫn thỏa đáng để thực thi chế tài cho hành vi "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài... trái pháp luật", bởi:
- Quy định như vậy là mâu thuẫn với Luật Du lịch;
- Không nên phạt một người có liên quan rất ít đến vi phạm của một người khác;
- Có nên dùng luật Việt Nam để phạt một hành vi phạm luật nước khác?
- Không thể bắt công ty du lịch thực hiện điều không thể làm, là quản thúc du khách từ đầu chí cuối;
Và bởi, nếu không có một cách hiểu "mềm mại" hơn để đưa ra hướng dẫn hợp lý lẽ và thực tế, mà chỉ chăm chăm áp dụng đúng câu chữ văn bản, thì điều này có thể kìm hãm sự phát triển của ngành du lịch.
Có lẽ hướng dẫn cần có diễn giải thỏa đáng: Thế nào là "để" trong cụm từ "để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài..."?
---------------------
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Trần Việt Hải - Đại diện 1 công ty du lịch ở Hà Nội.