Đòi hỏi với ngành ô tô

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, một câu chuyện thu hút sự chú ý của dư luận với ngành công nghiệp ô tô trong nước đó là phát biểu của PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: “DN Việt mới chỉ làm được ốc vít bắt biển số xe ô tô”.

Mặc dù nhận định này chưa hoàn toàn chính xác nhưng nó cũng đặt ra khá nhiều trăn trở trong quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN trong nước.

Không thể phủ nhận Việt Nam đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp ô tô vào năm 1991, sau các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Hiện trên thị trường Việt Nam đã có mặt hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Ford... đã kéo theo một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện phụ tùng nước ngoài thân thiết vào đầu tư tại Việt Nam.

Sản xuất ô tô tại nhà máy VinFast Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất ô tô tại nhà máy VinFast Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng

Trước những áp lực đó, tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước cũng được nâng lên khá cao, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nội địa được cải thiện trong thời gian qua. Đến cuối năm 2022, các DN cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô tô lớn bình quân lên tới hơn 400 DN, tăng hơn 200% so với năm 2016 chỉ sau 5 - 7 năm, với sản lượng tăng từ 120.000 xe lên thành 500.000 xe. Điều này đã khẳng định sức hút của thị trường ô tô đầy tiềm năng và dự kiến đạt hơn 1 triệu xe vào năm 2025.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần nhìn nhận, ngành CNHT Việt Nam vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm còn thấp.

Đơn cử tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7% - 10%. Trong khi mục tiêu đề ra là 40% - 45% vào năm 2025 và 50% - 55% vào năm 2030. Hay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử hiện mới đạt 5% -10%.

Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Cùng với đó mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ sự phát triển các DN CNHT, nhưng thực tế vẫn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh về việc tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm đầu ra được áp dụng rộng rãi trong thực tế, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bù đắp rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

Hay đối với các ưu đãi liên quan đến lãi suất, tín dụng, để vay được vốn, DN cần có rất nhiều điều kiện. Cùng với đó, mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của DN đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Mặc dù thừa nhận một số DN trong nước đã nỗ lực để tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, song cũng cần nhìn nhận DN có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực còn rất hạn chế.
Trong cuộc làm việc cuối tuần qua với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến tư duy đột phá, tạo ra nguồn lực để tiếp tục lan tỏa lợi ích. Điều này cũng đang rất cần với ngành CNHT để ngành công nghiệp này thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có, mang lại giá trị cao trong quá trình phát triển.