Đối thoại Shangri-La 2018: Vấn đề Biển Đông làm “nóng” phiên họp chính thức

Nguyễn Phương (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 bắt đầu ngày họp chính thức đầu tiên với các nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định khu vực.

Vấn đề Biển Đông làm nóng chương trình nghị sự của phiên thảo luận sáng nay. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự các phiên thảo luận.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 17 đang diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề cập tầm nhìn cũng như những biện pháp của Mỹ đảm bảo một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương cởi mở và tự do.
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại phiên họp chính thức của Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 tại Singapore. 
Bộ trưởng Mattis một lần nữa khẳng định giá trị của khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương đối với không chỉ an ninh, ổn định của Mỹ mà còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh nước này tiếp tục cam kết với tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương, với việc tăng cường hợp tác với trụ cột ASEAN, Ấn Độ để xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và  thịnh vượng cho tất cả.
Ông Mattis bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy "chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở", do chính quyền Tổng thổng Mỹ Donald Trump khởi xướng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: "Không một quốc gia nào có thể hoặc nên thống trị Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". 
Bộ trưởng Mattis khẳng định, Mỹ sẵn sàng hợp tác nhưng cũng sẽ hành động nếu cần thiết để đảm bảo an ninh ổn định khu vực: “Chiến lược của Mỹ nhấn mạnh rằng, không có quốc gia có khả năng hay chắc chắn chế ngự khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các nước đều phải có trách nhiệm hợp tác xây dựng tương lai chung. Tương lai dựa vào sự tôn trọng chủ quyền và độc lập của mỗi quốc gia lớn hay nhỏ, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại, tự do và công bằng trong các hoạt động thương mại, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế”.
Để thực hiện tầm nhìn này, Mỹ đã có những chiến lược an ninh quốc gia và quốc phòng rõ ràng, dựa trên nguyên tắc hợp tác với các đồng minh, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, hợp tác với Trung Quốc, và tìm kiếm cơ hội với các đối tác mới cũng như các cơ chế sẵn có trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nêu một số chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương. Ông Mattis cho biết Washington sẽ tăng cường can dự vào khu vực này trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng các lợi ích của khu vực này gắn chặt với lợi ích của Mỹ.
Cũng trong bài phát biểu, Bộ trưởng Mattis nhận định việc quân đội Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông thông qua hành động triển khai các hệ thống vũ khí tối tân tại vùng biển này là nhằm mục đích "đe dọa và gây sức ép" với các nước láng giềng.
 Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 bắt đầu ngày họp chính thức đầu tiên. 
Theo hãng tin AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã các xây đảo nhân tạo và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự. 
Theo Bộ trưởng Mattis, việc Trung Quốc triển khai những hệ thống vũ khí có liên hệ trực tiếp với việc sử dụng vũ khí quân sự cho mục đích "đe dọa và gây sức ép" là đi ngược với những cam kết trước đó của Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh Mỹ ủng hộ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trao đổi thương mại đầu tư tự do và công bằng, cũng như tuân thủ các luật lệ và quy định quốc tế.
Đối thoại Shangri-La, do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) tài trợ, được tổ chức hằng năm tại Singapore kể từ năm 2002. Các quan chức quốc phòng từ khoảng 40 nước, trong đó có Mỹ và nhiều nước ở châu Á và châu Âu, tham gia đối thoại lần này.
Phái đoàn Trung Quốc cử đến Đối thoại Shangri-La năm nay do Trung tướng Hà Lôi, Phó chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự, dẫn dầu. Ông Hà Lôi dự kiến sẽ có bài phát biểu trong các phiên thảo luận chủ đề "Chiến lược Phát triển Khả năng quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương" và "Cạnh tranh và Hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương".
Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 diễn ra trong bối cảnh cuộc gặp Thượng đỉnh được nhiều người kỳ vọng giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tới cũng tại nước này.