Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ: Xu hướng tất yếu

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khảo sát thực tế cho thấy, các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã bước đầu có những bước tiến lớn trong hoạt động.

Bài 2: Thành công nhờ tự chủ

Chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đây thực sự là một hướng đi đã khẳng định thành công.

Động lực để thay đổi

Tính đến thời điểm này, nhiều bệnh viện (BV) ở Hà Nội đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Ði đầu việc chuyển đổi là BV Tim Hà Nội và BV Hòe Nhai, tiếp đó là các BV Xanh Pôn, Phụ sản và Ung bướu. Ðây được coi là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của ngành y tế, không chỉ giúp TP giảm chi ngân sách thường xuyên, đổi mới tác phong phục vụ của nhân viên y tế mà chính người bệnh cũng được thụ hưởng quyền lợi nhiều hơn từ việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
 Trang thiết bị hiện đại phục vụ môn Tin học tại trường THPT Phan Huy Chú. Ảnh: Phạm Hùng
Không chỉ tự chủ về tài chính, BV Tim Hà Nội còn tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, được Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư lựa chọn nghiên cứu để nhân rộng mô hình ra toàn quốc. Sau 10 năm tự chủ, nguồn thu dịch vụ y tế của BV đã tăng 30 lần. Tháng 3/2017, BV Tim Hà Nội được TP Hà Nội giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế. Sau khi được tự chủ hoàn toàn, doanh thu năm 2017 của BV đạt hơn 900 tỷ đồng, cán bộ, nhân viên có mức thu nhập cao nhất trong khối BV công lập của Hà Nội hiện nay.

Tại BV Xanh Pôn, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc BV cho biết: Từ năm 2017, tiến hành tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên, đồng nghĩa với BV phải nhận thức rõ ràng việc phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hơn nữa, để người dân tin tưởng, mới đủ nguồn thu. Do đó, việc tự chủ đã giúp BV thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa nhân viên y tế - bệnh nhân: Trước nhân viên y tế được Nhà nước trả lương để phục vụ bệnh nhân thì nay bệnh nhân đến khám bằng quỹ bảo hiểm hoặc tiền của họ - chính là người bệnh trả lương cho bác sĩ.

"Sau 3 năm tự chủ, hình ảnh của trường tăng lên rõ rệt. Sinh viên giỏi được cấp học bổng nhiều hơn, tích lũy tài chính của nhà trường cũng tăng lên, tòa nhà trung tâm vừa được đầu tư với những trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay. Mức lộ trình tăng học phí của nhà trường cũng bài bản hơn." - PGS. TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân


"Cơ chế tự chủ tạo động lực cho cán bộ y tế qua mức thu nhập dựa trên các tiêu chí phân loại, bình xét hiệu quả công việc hàng tháng. Minh bạch tài chính, môi trường làm việc lành mạnh là cách bệnh viện thu hút người giỏi." - PGS. TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội

“Nhận thức thay đổi, dẫn đến quyết tâm bằng mọi cách nâng cao chất lượng, mà đầu tiên là liên tục cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Từ đăng ký thủ tục khám, xếp hàng lấy số, đến việc khám, xét nghiệm, chiếu chụp… liên tục phải thay đổi để nhanh nhất, mà vẫn đảm bảo chất lượng” - bác sĩ Nguyễn Đình Hưng cho biết. Điều đáng mừng là mới tự chủ, nhưng BV đã có được mức tăng trưởng 10 - 15%/năm, cả về chuyên môn và tài chính. Năm 2014 có khoảng 7.500 bệnh nhân mổ thì năm 2017 đạt hơn 13.400.

Bước tiến lớn không ngờ

Các trường học cũng là một trong khối đơn vị đi đầu trong tự chủ và không ít đơn vị đã khẳng định sự thành công. Điển hình phải nói đến trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, từ đơn vị được Nhà nước thực hiện cơ chế bao cấp bằng nguồn ngân sách, năm 2015, trường đã thực hiện thí điểm tự chủ và đã có một sự thay đổi lớn. Trước tiên là tự chủ từng phần tài chính (Nhà nước cắt giảm ngân sách dần dần trong vòng 4 năm). Song song, Nhà nước mở ra những điều kiện rộng hơn cho nhà trường như mở ra các khoản thu và nhà trường có thể chủ động để đầu tư vào những hoạt động thiết thực. Sau khi thực hiện tự chủ toàn phần, trong vòng 3 năm nay, trường được tự chủ toàn diện, cả về tài chính, bộ máy hành chính, nhân sự và hoạt động.

PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Khi thực hiện cơ chế tự chủ, ai cũng e ngại và cảm thấy rủi ro bởi “bầu sữa” ngân sách đã bị cắt giảm. Quan trọng hơn, khi tự chủ, nhà trường phải tự tìm những nguồn thu tốt nhất và cắt giảm những hoạt động không mang lại kết quả. Song, thuận lợi mà nhà trường có được khi thực hiện theo cơ chế tự chủ lại rất lớn. Tất cả những ràng buộc theo tính chất hành chính đã được gỡ bỏ. Nhà trường được chủ động mở chương trình đào tạo mới, tuyển dụng giảng viên giỏi, liên kết với các trường quốc tế để đa dạng hóa sản phẩm đào tạo. Chi trả tiền lương cho giáo viên cũng theo đúng mức độ đóng góp để khuyến khích, thu hút người giỏi. Từ đó, chất lượng đào tạo của nhà trường đã tăng lên rất rõ, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao, ngành thấp nhất cũng đạt 95%.

Với trường THPT Phan Huy Chú, một trong những đơn vị thí điểm tự chủ toàn phần sớm tại Hà Nội, Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm cho biết: Hiện trường tự chủ theo 3 nội dung chính: Tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ; về công tác tổ chức cán bộ và tài chính. Quan trọng nhất là trường được tự chủ trong thiết kế chương trình, giúp tạo thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy hoặc tìm kiếm những nội dung phù hợp với xu hướng thời hiện đại. “Theo xu thế mới, nhà trường tập trung đẩy mạnh một số kỹ năng cho học sinh là công nghệ thông tin và trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra, nhà trường cũng trang bị cho học sinh một số kỹ năng sống cần thiết” - thầy Hà Xuân Nhâm cho biết.

Hiện nay, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, tránh cồng kềnh, chồng chéo, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị... Thực tế cho thấy cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về tự chủ đơn vị SNCL, khuyến khích và bắt buộc các đơn vị tiến tới hoạch toán như DN, tự chủ thu, chi. Nhà nước sử dụng ngân sách để đầu tư cho hoạt động sự nghiệp, thay đổi phương thức cấp phát sang đặt hàng dịch vụ công. Chính việc thay đổi nhận thức, sẽ tác động đến phương thức hoạt động và mục tiêu cuối cùng của đổi mới đơn vị SNCL là nâng cao chất lượng dịch vụ công, phục vụ người dân tốt hơn.

(Còn nữa)