Đồng cam, cộng khổ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhảy việc, thiếu hụt lao động… là tình trạng chung của thị trường lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau Tết Giáp Thìn của các DN cao hơn nhiều các năm trước; tình trạng công nhân nhảy việc giảm đáng kể. Đây là tín hiệu tốt, phản ánh chính sách đãi ngộ của DN đã khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài.

Báo cáo nhanh của các địa phương cho thấy, đến hết 15/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), khoảng 92% DN, người lao động đã quay trở lại sản xuất kinh doanh. Số lao động chưa quay trở lại làm việc chủ yếu ở các tỉnh, TP xa nghỉ phép thêm ngày, nghỉ ốm hoặc DN sản xuất, kinh doanh muộn.

Cụ thể, báo cáo của các cấp Công đoàn Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 19/2/2024 (tức mùng 10 tháng Giêng năm Giáp Thìn) có 99,2% DN đã mở xưởng để sản xuất với 98,6% số công nhân lao động trở lại làm việc, cao hơn so với năm trước. Còn theo thống kê từ Liên đoàn Lao động các tỉnh, TP khu vực Đông Nam Bộ, tính đến ngày 16/2 (mùng 7 tháng Giêng) khoảng 90% công nhân đã trở lại làm việc, sẵn sàng hoàn thành các đơn hàng năm 2024.

Đây là tín hiệu tích cực và cho thấy thị trường lao động đang có xu hướng ấm dần lên. Bộ LĐTBXH nhận định, triển vọng thị trường lao động quý I/2024 là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý IV/2023. Sở dĩ tình trạng lao động ít nhảy việc sau Tết được các chuyên gia nhận định bởi tình hình sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, đơn hàng giảm, thiếu việc làm nên lao động muốn ổn định, gắn bó lâu dài với DN.

Ngoài yếu tố cần một công việc ổn định, các chính sách phúc lợi đảm bảo là yếu tố sâu xa, quan trọng để giữ chân lao động. Các DN ngày càng có chính sách chăm lo về lương, thưởng, nhằm tạo động lực để người lao động gắn bó lâu dài.

Thực tế, trong suốt thời gian qua, DN đã trải qua một giai đoạn kinh doanh khó khăn, đơn hàng ít và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, song nhiều DN vẫn cố gồng gánh, đảm bảo thu nhập, việc làm cho lao động. Đặc biệt, nhiều DN có chính sách khuyến khích người làm việc lâu năm nên công nhân yên tâm gắn bó. Các DN xác định, đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống người lao động là thước đo để đánh giá sự tăng trưởng bền vững cũng như hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu, gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng.

Ngoài việc bố trí ca kíp làm việc hợp lý, đảm bảo tất cả các công nhân đều có việc làm, DN còn duy trì ổn định các khoản phụ cấp để ổn định tâm lý người lao động. Động thái ấy khiến người lao động cảm kích, từ đó hợp sức vượt khó cùng DN. Người lao động gắn bó với DN không chỉ bởi chính sách lương, thưởng tốt mà còn ở môi trường làm việc văn hóa, thân thiện. Chính tinh thần đồng cam, cộng khổ này đã giúp DN ổn định thị trường và kinh doanh có lãi, việc làm, thu nhập của công nhân dần khởi sắc.

Điều đó cho thấy, xây dựng văn hóa kinh doanh cũng như chăm lo cho người lao động, tạo dựng mối quan hệ bền chặt, đồng cam, cộng khổ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN.