Đóng cửa các trường kém chất lượng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng giáo dục đại học (ĐH) phải được cải thiện ngay từ khâu đầu vào khi tuyển sinh. Các trường ĐH phải công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Đây là yêu cầu của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH do Bộ tổ chức sáng 11/7.
Phải cam kết cả đầu ra
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 là kỳ thi quan trọng, đã được tổ chức thành công. Phổ điểm chung của kỳ thi có tiến bộ nhưng cần tiếp tục cải thiện hơn. Cuối tuần này, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị Giám đốc sở GD&ĐT để bàn thảo kỹ, mổ xẻ phổ điểm từng môn thi, lý giải vì sao điểm thấp để rút kinh nghiệm.
 Giờ thực hành của sinh viên trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Xung quanh công tác tuyển sinh ĐH, những ngày qua, một số trường tuyển sinh theo xét tuyển học bạ đã gọi thí sinh trúng tuyển xác định nhập học trước khi xét tốt nghiệp THPT. Việc này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường ĐH cũng như chặn cơ hội để thí sinh chọn được ngành đào tạo và trường tốt nhất.
Chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu công tác tuyển sinh năm nay phải tốt hơn năm trước, đi vào chiều sâu. Các trường ĐH phải rà soát lại, nghiêm túc thực hiện như cam kết trong đề án.
“Năm nay chúng ta cải thiện chất lượng ngay từ khâu đầu vào xét tuyển. Nhưng vấn đề không chỉ chọn được những học sinh tốt để đủ đầu vào, trường ĐH còn có trách nhiệm với người học, cam kết đầu ra tốt” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Muốn vậy, các trường phải thực hiện nghiêm kiểm định chất lượng đào tạo, tiến tới kiểm định ngành, trường. Trường nào kém thì đóng cửa.
Với việc tuyển sinh theo kết quả thi THPT Quốc gia 2019 và các phương thức khác, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý các trường xác định tỷ lệ chỉ tiêu tuyển theo từng phương thức phù hợp để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, nghiên cứu chất lượng sinh viên trúng tuyển để việc tuyển sinh sang năm chủ động hơn.
Thanh, kiểm tra công tác tuyển sinh
Thực tế, trong đề án tuyển sinh của một số trường, thông tin về đội ngũ giảng viên chưa chính xác theo quy định của Bộ GD&ĐT. Để giải quyết vấn đề này, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT cho rằng, nên chăng Bộ GD&ĐT cấp chứng chỉ hành nghề cho giảng viên và quản lý danh sách đội ngũ này. Trước ý kiến này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là đề nghị rất xác đáng. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có mã định danh cho cả giáo viên phổ thông, ĐH.
Trong khi đó, PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội đề nghị sinh viên cũng phải có mã số định danh để nhà trường theo dõi khi tốt nghiệp có tìm được việc làm hay không. Trước tình trạng sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp nhiều, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục làm đầu mối với các bộ, ngành để xác định chỉ tiêu ngành đào tạo, tỷ lệ có việc làm.
Trong khi đó, một số đại diện trường ĐH chỉ ra thực tế đang tồn tại trong công tác tuyển sinh. Đa số các trường ĐH đều tuyển sinh những ngành "hot" xã hội cần và người học mong muốn. Còn những ngành đất nước cần như nông, lâm, ngư nghiệp thì ít trường tuyển. Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Văn Cường đề nghị có chính sách hỗ trợ các trường đào tạo những ngành này.
Đánh giá chung về Kỳ thi THPT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kỳ thi không chỉ thuần túy xét tốt nghiệp THPT, càng không phải chỉ phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ mà quan trọng là đánh giá chất lượng từng môn học, hướng tới giáo dục toàn diện.
Vì thế, Bộ trưởng yêu cầu các trường đã công bố đề án tuyển sinh phải thực hiện đúng. Để kiểm soát việc này, Bộ GD&ĐT yêu cầu thanh tra Bộ, các cục, vụ chức năng tăng cường thanh, kiểm tra công tác tuyển sinh.