Dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia: Băn khoăn về cách tiếp cận

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa tiến hành phiên họp mở rộng thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về cách tiếp cận của các quy định.

Cần các biện pháp mạnh
Thông tin về Dự thảo Tờ trình Dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ rõ, rượu bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bền vững bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cả 3 khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế. Với những tác động đến sức khỏe cộng đồng, xã hội và tài chính, rượu bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu phát triển bền vững.
 Uống nhiều rượu, bia gây hậu quả xấu đến bản thân và xã hội. Ảnh: Chiến Công
Thực trạng sử dụng rượu, bia ở nước ta đang ở mức báo động và phải được kiểm soát chặt chẽ để giảm mức tiêu thụ. Nhấn mạnh điều này, Thứ tưởng Bộ Y tế cũng cung cấp một loạt số liệu để chứng minh cho nhận định này. Đơn cử như, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đang gia tăng. “Phòng chống tác hại của rượu, bia là yêu cầu cần thiết phải được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện về chính sách pháp luật, kinh tế..., trong đó có việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia” - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu.

Dự kiến bố cục Dự án Luật gồm 7 chương, 35 điều quy định về biện pháp giảm mức tiệu thụ; biện pháp quản lý chặt chẽ việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống tác hại của rượu, bia. Hầu hết các ý kiến tại hội nghị đều đồng tình, các văn bản về phòng chống tác hại của rượu, bia còn tản mạn, hiệu lực pháp lý thấp, chủ yếu là nghị định, thông tư, chỉ thị; còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ. Do đó, việc ban hành Luật với các biện pháp mạnh mẽ sẽ góp phần từng bước hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Điều chỉnh với rượu, bia hay người lạm dụng?

Tuy nhiên, nhiều vấn đề cụ thể trong Dự Luật vẫn gây băn khoăn. Một số ý kiến nhận định, không thể vì những tác hại của rượu bia mà phủ nhận những thành tựu, đóng góp của ngành rượu, bia cho ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động trong nhiều năm qua.

Nhiều quy định của Dự luật còn mang tính chất hàn lâm. Cụ thể như tại Điều 3 Dự Luật quy định: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia; ưu tiên các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp rượu bia; từng bước giảm mức sản xuất rượu thủ công không đăng ký kinh doanh. Các đại biểu nhấn mạnh, “từng bước” là 5 năm hay 10 năm hoặc lâu hơn nữa, cách quy định này còn mang tính định tính, chưa rõ ràng, gây khó hiểu trong quá trình thực hiện…

Phạm vi điều chỉnh và cách thức xử lý cụ thể trong Dự Luật cũng được cho rằng chưa bảo đảm tính khả thi. Băn khoăn về cách thức tiếp cận và tư duy xây dựng luật khi nhìn nhận rượu bia như một “tội đồ”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra: Phải đánh giá tác động cẩn trọng của các quy định trong dự luật, không chỉ về sức khỏe mà còn về kinh tế, văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt... “Dự Luật điều chỉnh đối với các loại rượu, bia trong khi rượu, bia là vật vô tri vô giác. Trong khi hành vi của người sử dụng là quan trọng nhất, cho nên thay vì xử lý mối quan hệ trực tiếp, phải kiểm soát đối tượng sử dụng, đối tượng lạm dụng thì luật lại quay mũi giáo vào những chủ thể không có tội” – đại biểu Nhưỡng nói.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng đề xuất, phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Dự Luật này là kiểm soát hành vi lạm dụng rượu, bia, vì có lạm dụng rượu, bia mới gây ra những tác hại như cơ quan soạn thảo đã chỉ rõ. Và như vậy, các điều luật phải hướng đến việc phòng, chống các hành vi lạm dụng rượu, bia trong xã hội, làm cho người dân hiểu rõ tác hại của việc này, từ đó giảm dần mức tiêu thụ.