Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Vẫn khó thu tài sản bất minh

Trọng Nghĩa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/11, Quốc hội đã dành gần một ngày để thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi).

Đánh giá cao những chuyển biến trong lĩnh vực này, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn về tính khả thi của việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng như đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản.

Mới thu được 10% tài sản tham nhũng

Tham gia ý kiến, ĐB Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế. Dẫn số liệu tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN, ĐB cho biết, số thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng và 400ha đất nhưng số tiền thu về chỉ 4.676 tỷ đồng và 219ha đất, chỉ tương đương khoảng 10%. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân là do pháp luật chưa có cơ chế để xử lý sớm với tài sản tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường.Ảnh: TTXVN

ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng khó khăn do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có việc pháp luật chưa có cơ chế xử lý sớm tài sản tham nhũng. Cụ thể là pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua chỉ có thể áp kỷ luật đối với người kê khai (khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức) chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn tịch thu khối tài sản này thì phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án.

“Một trong những kỳ vọng của cử tri khi sửa luật lần này là giải quyết được vấn đề nêu trên, nhưng dự thảo vẫn chỉ xử lý người kê khai không đúng. Cụ thể như ai được dự kiến bổ nhiệm thì không được bổ nhiệm nữa, bổ nhiệm rồi thì tùy theo mức độ bị cách chức, giáng chức. Còn khối tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp thì dự thảo vẫn tiếp tục để ngỏ, không có cơ chế xử lý” – ĐB Nguyễn Thị Thủy nêu rõ.

Về nội dung này, ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, phải bổ sung tài sản bất minh là tài sản tham nhũng mới giải quyết 2 vấn đề cốt tử của Luật lần này, đó là giao thẩm quyền cho cơ quan chức năng kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản. Theo ĐB, việc chuyển quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản rất lớn nhưng không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan Nhà nước khiến đây trở thành nơi trú ẩn, cất giấu tài sản do tham nhũng mà có.

Dàn trải sẽ khó thực thi

Hai nội dung được nhiều ĐB đề cập và còn nhiều ý kiến khác nhau là đối tượng kê khai tài sản và phạm vi điều chỉnh. Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), không nên chọn phương án rộng về mặt đối tượng bắt buộc kê khai tài sản, mà cần chọn đối tượng cần phải kê khai. Có những ngành, lĩnh vực bất kỳ công chức, chuyên môn nào cũng phải kê khai. Có những ngành, lĩnh vực ta quy định về chức danh, chức vụ nhất định nhưng không có nghĩa phòng nào, vụ nào, lĩnh vực nào cũng đều kê khai mặc dù phụ cấp có thể tương đương nhau. “Một ĐB Quốc hội chuyên trách, một ĐB HĐND chuyên trách có thể không có nhiều tài sản và nguy cơ tham nhũng chưa chắc bằng một cán bộ địa chính xã, cán bộ TTXD một phường hay kế toán một trường học, bệnh viện. Đó là điều chúng ta phải lưu tâm” - ĐB nói.

Liên quan đến mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật ra khu vực ngoài Nhà nước, ĐB Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) cho rằng không hợp lý. Bởi cần làm rõ những hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước và có biện pháp phù hợp, hiệu quả mới đảm bảo phát huy tác dụng, tránh tình trạng dàn trải, ôm đồm nhưng cơ chế, thiết chế luật không đảm bảo thực thi cũng như không phù hợp với quy định của luật khác.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: Kê khai tài sản không nên mở rộng như phạm vi hiện nay, nên chỉ tập trung vào những người có chức, có quyền trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước và những người làm việc ở những nơi “nhạy cảm” dễ tham nhũng, ví dụ như lĩnh vực hải quan, thuế, cảnh sát khu vực, cảnh sát giao thông làm việc ở quốc lộ, tỉnh lộ. Còn những lĩnh vực như ủy viên, thành viên của UBND xã, văn hóa, thông tin thì không có cơ hội tham nhũng. Đưa nhiều đối tượng phải kê khai nhiều sẽ quản lý không xuể.

Ở chiều ngược lại, ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) lại thống nhất với chủ trương mở rộng hoạt động PCTN sang khu vực tư. Thậm chí đây là điểm nổi bật của luật lần này, thể hiện sự đổi mới tư duy trong việc bảo vệ quyền của người dân, của cộng đồng trong nền kinh tế thị trường. Vì vụ lợi trong khu vực tư cũng nghiêm trọng không kém gì khu vực công, thậm chí gây lũng đoạn hoạt động của Nhà nước. Tán thành việc mở rộng hoạt động PCTN, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) lập luận, hiện có sự thông nhau giữa khu vực công và tư và nhiều cán bộ thực hiện việc tham nhũng qua khu vực tư. Ví dụ như hiện tượng gửi giá, chỉ định hợp đồng, gói thầu để nhận tiền “lại quả” từ DN tư. Do đó, cách đặt vấn đề của cơ quan soạn thảo luật là đúng hướng.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Đại sứ từ cấp Phó Vụ trưởng trở lên. Nhiệm kỳ công tác của Đại sứ là 36 tháng. Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi).