Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi): Nóng chuyện thư nặc danh và bảo vệ người tố cáo

Hà Minh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có xử lý tố cáo thư nặc danh, rồi cơ chế bảo vệ thế nào cho hiệu quả. Đó là 2 vấn đề lớn mà các đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến khác nhau về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Để rộng đường dư luận, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã phỏng vấn, lấy ý kiến một số đại biểu Quốc hội với mong muốn sớm tìm được đáp án chung, để Luật Tố cáo đóng góp hiệu quả cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Luật sư Nguyễn Chiến, Đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Người tố cáo phải “chính danh”

Trong những năm qua, các cơ quan Nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) lần này cũng chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh, ý kiến của ông về việc này thế nào?

- Dự Luật không quy định giải quyết đơn tố cáo nặc danh, vì tố cáo là quyền và trách nhiệm của công dân. Anh thực hiện quyền tố cáo thì phải danh chính, đồng thời chịu trách nhiệm nếu tố cáo sai sự thật. Nên việc tố cáo nặc danh dễ gây nên tình trạng lợi dụng tố cáo nặc danh tràn lan, sai sự thật. Trong khi đó, người bị tố cáo lại rõ tên tuổi, địa chỉ, dù chưa biết đúng sai thế nào nhưng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn đến danh dự, công việc. Bởi người ta chỉ cần nói “anh này đang có đơn tố cáo đấy”, thế là cũng mang tiếng rồi. Còn người tố cáo nặc danh thì ung dung, vô sự, do “không có danh” nên không xử lý được theo quy định của pháp luật.

Ngoài 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, có ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm. Ông có ủng hộ đề xuất này hay không?

- Về hình thức tố cáo, tôi nhất trí quan điểm của Chính phủ trong Dự Luật quy định 2 hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp để thuận lợi cho cơ quan giải quyết đơn, đồng thời tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, sai sự thật, ảnh hưởng danh dự của người bị tố cáo. Những hình thức khác như qua điện thoại, qua thư điện tử cũng như các hình thức khác không được quy định cụ thể trong Luật sẽ không giải quyết, bởi nếu giải quyết thì không biết phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục nào.

Hơn nữa, việc tố cáo qua fax, trang điện tử mà người tố cáo không trực tiếp xác nhận cũng sẽ không có giá trị pháp lý. Thực tế hiện nay, nhiều trang mạng, danh tính thể hiện rõ nét, tuy nhiên có nội dung khác cần xác minh vi phạm, họ không thừa nhận, không chứng minh được chủ trang mạng vì quản trị đặt ở nước ngoài. Vì vậy, theo tôi, hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử chỉ là tin báo tội phạm, vi phạm để cơ quan chức năng giải quyết, xử lý theo thẩm quyền thanh tra, điều tra, làm rõ.

Vì sợ bị trả thù, bị trù dập nên nhiều người phải chọn cách an toàn là tố cáo nặc danh. Thực tế có không ít trường hợp vì đấu tranh mà không biết “tránh đâu”. Vậy theo ông, cần có cơ chế bảo vệ gì để người tố cáo có thể mạnh dạn đứng đơn?

- Tôi không đồng tình với quan điểm ghi thêm trong Luật, tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm chứng cứ, nội dung rõ ràng thì cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xác minh, xử lý để tránh bỏ lọt tội phạm. Báo cáo của cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như vậy phù hợp với điều kiện hiện nay khi cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa hiệu quả. Theo tôi, quan điểm này không phù hợp cả về thực tiễn cũng như lý luận.

Cụ thể là mục tiêu sửa Luật lần này, chúng ta phải khắc phục những khiếm khuyết của Luật Tố cáo 2011. Đó là cơ chế bảo vệ người tố cáo, nhưng quy định này còn chung chung, không cụ thể trách nhiệm của cơ quan hữu quan bảo vệ người tố cáo, nếu không thực hiện đầy đủ, chế tài với họ thế nào, pháp luật cần quy định bổ sung, cụ thể. Thực tiễn thời gian qua, nhiều người dân thực hiện quyền tố cáo không những không được bảo vệ mà còn bị trù dập. Có những đơn tố cáo đến 7 nội dung thanh tra kết luận là đúng, chỉ có 3 nội dung xác định không đủ cơ sở, nhưng vẫn bị quy cho là tội vu khống. Những “dạng” thế này dễ khiến người tố cáo hoang mang, nản lòng, suy giảm lòng tin vào công lý. Do đó, trong Dự thảo Luật, tôi đề nghị phải cụ thể hơn các điều kiện, cơ chế bảo vệ người tố cáo.

Vừa qua, có một số việc đưa theo hình thức tố cáo trên mạng xã hội. Điều đáng nói là sau khi xác minh, nội dung đưa lên hầu hết lại có căn cứ và cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. Vậy theo ông, chúng ta phải ứng xử với những thông tin đó như thế nào, để không bị “nhiễu” thông tin, nhưng cũng không bỏ lọt vi phạm, nhất là để phục vụ phòng, chống tham nhũng?

- Đúng là thực tế có một số trường hợp như vậy. Nhưng như tôi đã nói ở trên, chúng ta không đưa dạng này vào quy trình giải quyết tố cáo, nhưng có thể sử dụng như một nguồn tin tham khảo, tin tố giác tội phạm để cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Tôi nghĩ thực hiện theo cách này là phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

ĐB Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội):

Có hình thức tôn vinh người tố cáo đúng

Tôi cho rằng, cả xã hội phải bảo vệ người tố cáo. Chúng ta phải có văn hóa bảo vệ người tố cáo, phải bảo vệ họ một cách thật nghiêm túc từ trong trứng nước. Bên cạnh đó, cần có hình thức tôn vinh người tố cáo nếu họ tố cáo đúng. Có như vậy người ta mới dám đứng lên đấu tranh thẳng thắn.


Phó Giám đốc CATP Hà Nội Đào Thanh Hải:

Rõ trách nhiệm cơ quan bảo vệ

Đối với nội dung bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ, cần bổ sung quy định về phối hợp giữa cơ quan giải quyết tố cáo, UBND nơi người tố cáo, người thân thích của họ cư trú, cơ quan công an có thẩm quyền và các cơ quan khác có liên quan trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ. Để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho người tố cáo và người thân của họ thì cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được giao nhiệm vụ.


Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính:

Muốn người ta tố cáo, phải có hình thức bảo vệ

Tôi cho rằng, hình thức tố cáo có thể bằng nhiều con đường như trực tiếp, bằng đơn, qua fax, email, qua điện thoại đều hợp pháp. Điều này phù hợp với một số Luật như Luật Phòng chống tham nhũng. Đối với tố cáo nặc danh, về nguyên tắc không xem xét đơn tố cáo nặc danh. Tuy nhiên, tố cáo nặc danh mà có những nội dung, chứng cứ xác đáng (hình ảnh, ghi âm…) thì nên được xem xét. Nhiều người tố cáo sợ bị trả thù hoặc không đảm bảo về quyền lợi hoặc bị đe dọa tính mạng, sức khỏe nên họ phải nặc danh.

Về bảo vệ người tố cáo, Dự thảo còn rất chung chung, chưa xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp. Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất, muốn người ta tố cáo để tìm ra sự thật khách quan thì điều đầu tiên phải bảo vệ người tố cáo. Nếu không có quy định rõ ràng thì sẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người tố cáo.