Đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển xứng tầm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc ra đời đã tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư công nghệ cao, gắn kết nghiên cứu với sản xuất, dần trở thành một TP khoa học và công nghệ thông minh đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ hình thành, việc phát triển của khu CNC này được đánh giá là chưa xứng tầm.

Kết quả chưa như kỳ vọng

Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, các dự án đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc đã giúp hình thành hệ sinh thái ban đầu cho các lĩnh vực công nghệ, như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và phần mềm, công nghệ sinh học phục vụ y tế, công nghệ tự động hóa…

Nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các tập đoàn kinh tế lớn cũng như của các viện nghiên cứu, trường đại học đã đi vào hoạt động.

Ứng dụng robot trong sản xuất tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Thanh Hải
Ứng dụng robot trong sản xuất tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Thanh Hải


Phó Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho hay, đến hết tháng 1/2023, Khu CNC Hòa Lạc đã giải phóng mặt bằng được 1.403/1.586 ha, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư.

Đến hết tháng 3/2023, Khu CNC Hòa Lạc thu hút được 102 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 98.350 tỷ đồng. Nhiều dự án đầu tư đã làm chủ được công nghệ lõi, các CNC có những thành tựu quan trọng, bước đầu lan tỏa và đóng góp vào nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua.

 

Để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng và vận hành các khu CNC, căn cứ những vấn đề có tính chất đặc thù đối với từng khu CNC khác nhau, Bộ KH&CN đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách riêng đối với Khu CNC Hòa Lạc.
Phó Vụ trưởng Vụ CNC Nguyễn Lê Hùng

 

Trong đó, có các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực CNC khác nhau như: Tập đoàn Viettel, Tập đoàn FPT (FPT Software, Đại học FPT), Tập đoàn Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec (Nhật Bản)...

Các DN đã tạo ra các sản phẩm công nghệ có tính lan tỏa, dẫn dắt, tác động tới một số ngành, lĩnh vực; hình thành một hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu. Với các nhóm ngành như công nghệ thông tin, truyền thông và sinh học đã hình thành liên kết giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Trần Đắc Trung cũng thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ lấp đầy bởi các DN trong Khu CNC Hòa Lạc còn khá khiêm tốn, phát triển chưa được như kỳ vọng.

Lý giải về con số dự án còn khiêm tốn, ông Trần Đắc Trung cho biết, các dự án, DN khi đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc phải cam kết có yếu tố về phát triển công nghệ cũng như có kế hoạch đầu tư vào hoạt động R&D.

Đây là một triết lý để thực hiện mục tiêu Khu CNC Hòa Lạc phải là nơi sản sinh ra công nghệ, đổi mới công nghệ, không vì thu hút nhanh để lấp đầy bằng mọi giá. Nhưng đây cũng là điểm khó đối với một số DN, kể cả các tập đoàn lớn khi mà họ chỉ muốn tập trung đầu tư vào sản xuất mà không quan tâm đầu tư nhiều vào R&D.

Chia sẻ thêm những khó khăn trong quá trình phát triển Khu CNC Hòa Lạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, quá trình giải phóng mặt bằng để hình thành khu CNC tốn nhiều thời gian và vướng mắc. Ngoài ra, hạ tầng đô thị, giao thông tại đây còn thiếu đồng bộ.

Vì vậy, vấn đề đang đặt ra đối với các khu CNC nói chung và Khu CNC Hòa Lạc nói riêng là việc thu hút nguồn lực từ xã hội để đầu tư hạ tầng. Một mặt, ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển các khu CNC nên cần phải thu hút nguồn lực xã hội.

Trong khi Nhà nước vẫn cần quản lý các tiêu chí xác định các dự án đầu tư vào các khu CNC để bảo đảm mục tiêu khuyến khích phát triển CNC và chống thất thoát các ưu đãi đối với các DN, dự án trong khu CNC.

Hơn nữa, cơ chế chính sách cho phát triển Khu CNC Hòa Lạc chưa có nhiều vượt trội so với các khu công nghiệp thông thường, trong khi các dự án đầu tư tại khu CNC phải đáp ứng tiêu chí về công nghệ, sản phẩm, các quy định về dự án CNC và trải qua quá trình thẩm định mất nhiều thười gian theo quy định. Chưa có các chính sách chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút các chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu CNC.

Sớm bàn giao về Hà Nội, phát triển thành khu công nghệ lõi
Sau một thời gian phát triển, trong bối cảnh thay đổi cùng với những khó khăn về đô thị, nhà ở và giao thông đi lại chưa thuận lợi… đòi hỏi cần có điều chỉnh nhất định.

Vì vậy, sau hơn 20 năm dưới sự quản lý của Bộ KH&CN, dự kiến Khu CNC Hòa Lạc sẽ được chuyển giao về Hà Nội.

Bộ KH&CN đang trong quá trình đợi ý kiến đánh giá của Văn phòng Chính phủ và tiếp tục nhận các ý kiến góp ý từ các bộ, ngành nữa để bổ sung hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc chuyển giao này.

 

Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện đề án chuyển giao Khu CNC Hòa Lạc về Hà Nội quản lý. Chúng tôi tin khi Hà Nội tiếp quản Khu CNC Hòa Lạc và giữ nguyên được tinh thần là phát triển khu công nghệ lõi, sẽ có những đầu tư thêm hệ thống giao thông công cộng, đường sá thuận lợi hơn đi vào Hòa lạc, cũng như phát triển khu đô thị xung quanh để thành đô thị khoa học - công nghệ - văn hóa - giáo dục.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy

 

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, việc Khu CNC Hòa Lạc về Hà Nội có thể sẽ giải quyết được một số khó khăn trong thời gian qua như có đầu tư thêm về giao thông công cộng thuận lợi hơn cũng như phát triển đô thị xung quanh, thành một khu đô thị khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục.

“Tôi mong muốn Khu CNC Hòa Lạc về Hà Nội vẫn giữ được nguyên gốc phát triển công nghệ lõi chứ không phải phát triển lấp đầy thành một khu công nghiệp công nghệ cao. Việc phát triển lấp đầy thành một khu công nghiệp CNC có thể tốt trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ mất tiềm năng lợi thế. Các khu CNC là để phát triển tiềm lực công nghệ, còn để thu hút DN, Việt Nam có các khu công nghiệp” - Thứ trưởng Bùi Thế Duy kỳ vọng.

Chỉ ra những bất cập trong quá trình thực hiện, Phó Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho biết, các DN, nhà đầu tư thường đề nghị được xây dựng dự án trên khu đất liền khoảnh thành tổ hợp khép kín bao gồm cả sản xuất, nghiên cứu và các dịch vụ nhà ở, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo quy hoạch đã được phê duyệt thì Khu CNC Hòa Lạc đã được phân chia thành các khu vực theo các chức năng cụ thể nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư.

Chính vì thế, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đề xuất các cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách thí điểm trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển ươm tạo, khởi nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ 4.0, công nghệ tự động hóa; đồng thời có chủ trương tập trung đầu tư các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm quy mô lớn tại khu vực phía Bắc trong các lĩnh vực CNC được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, qua đó đảm bảo nhu cầu nghiên cứu phát triển của các ngành, lĩnh vực, tạo được tiềm lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNC của Khu CNC Hòa Lạc.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu ban hành chính sách cho các chuyên gia về công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo trong các vấn đề về thuế thu nhập cá nhân; cơ chế visa dài hạn cho các chuyên gia tham gia nghiên cứu, làm việc tại khu công nghệ.

 

Khu CNC Hòa Lạc được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998, hiện đang thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN. Sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện Khu CNC Hòa Lạc có quy mô gần 1.600 ha, được xây dựng theo mô hình TP khoa học với đầy đủ các tiện ích và những khu chức năng.