Đừng cấm trên giấy

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hai ngày nay, truyền thông thông tin một trường học ở Gia Lai có hơn 10 học sinh bị trượt môn âm nhạc. Theo quy định những học sinh này phải bổ túc để đánh giá lại năng lực môn học mới được lên lớp. Phụ huynh bức xúc, khiếu nại.

Cấm dạy thêm, học thêm hiệu quả là thay đổi phương pháp dạy học, thi cử cũng như cải thiện chế độ tiền lương cho giáo viên.  Ảnh:  Trung Quý
Cấm dạy thêm, học thêm hiệu quả là thay đổi phương pháp dạy học, thi cử cũng như cải thiện chế độ tiền lương cho giáo viên. Ảnh: Trung Quý

Hai ngày nay, truyền thông thông tin một trường học ở Gia Lai có hơn 10 học sinh bị trượt môn âm nhạc. Theo quy định những học sinh này phải bổ túc để đánh giá lại năng lực môn học mới được lên lớp. Phụ huynh bức xúc, khiếu nại. Dư luận hướng ngay đến câu chuyện sâu xa của kết quả trên là nhu cầu dạy thêm hè của giáo viên.

Cho dù bản chất của sự việc ra sao chưa được các cơ quan chức năng kết luận. Nhưng cũng không thể trách phụ huynh có suy nghĩ theo hướng học thêm, dạy thêm. Bởi vì, vấn nạn dạy thêm, học thêm bao năm rồi cứ nói cấm nhưng vẫn dạy.

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa đưa ra yêu cầu các nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào; không tổ chức dạy trước chương trình; tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2023 - 2024.

Phải thừa nhận, với quy định này, phần lớn các trường không tổ chức dạy thêm, luyện thi tại trường học thế nhưng các hình thức liên kết giữa giáo viên với trung tâm lại nở rộ. Và điều đáng nói, trên các trang mạng xã hội, giáo viên đăng thông tin mở lớp dạy kèm, dạy thêm rầm rộ ở các cấp, ngay cả ở bậc tiểu học nhưng cơ quan quản lý lại hình như không biết.

Theo báo cáo phân tích của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO cho thấy, giai đoạn 2011 - 2020, ở Việt Nam, trung bình gia đình học sinh đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho học sinh đi học và có xu hướng tăng dần theo cấp học, trong đó chi phí học thêm là khoản lớn nhất.

Các chuyên gia đưa ra rất nhiều nguyên nhân của việc học sinh, phụ huynh tăng cường học thêm, trong đó có lý do chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng, học sinh buộc phải bổ túc kiến thức. Nhưng điều quan trọng là việc quản lý dạy thêm, học thêm chưa được chặt chẽ.
Theo quy định, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Đồng thời trách nhiệm của Sở GD&ĐT là cơ quan đầu mối thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định này. Sở sẽ chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định. Nếu phát hiện giáo viên hoặc nhà trường vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm sẽ nhận hình phạt chính đó chính là phạt tiền, theo đó mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định; mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm.

Mức phạt này là quá thấp so với thu nhập của một giáo viên từ dạy thêm cao ở mức cả trăm triệu đồng/tháng. Làm thế nào để phát hiện ra giáo viên dạy thêm, ép học sinh học thêm… vẫn là bài toán khó, và quá ít trường hợp bị bêu tên so với thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Ngoài ra, một trong những lý do nhiều phụ huynh đưa ra rằng các hoạt động sinh hoạt hè của học sinh còn khá nghèo nàn, để có người quản lý con em khi phụ huynh đi làm chỉ còn cách cho vào các trung tâm học thêm. Nhiều trung tâm có cả dịch vụ chăm ăn, chăm ngủ, dạy kiến thức văn hóa suốt cả mùa Hè. Cha mẹ thuận tiện trong việc trông giữ trẻ, nhưng trẻ em lại mất đi ý nghĩa mùa Hè của tuổi thơ.

Vấn đề “dạy thêm, học thêm” suốt nhiều năm vẫn được bàn luận tại nhiều diễn đàn, hội thảo lớn nhỏ. Ngành giáo dục có nhiều giải pháp để ngăn ngừa tình trạng dạy thêm tràn lan nhưng sự thay đổi mới chỉ từ vẻ bề ngoài còn thực chất vẫn phổ biến dưới những hình thức, biến báo khác nhau. Vì vậy, ngoài văn bản chỉ đạo, rất cần những giải pháp tổng thể để chấm dứt tình trạng cấm trên giấy cho tròn bài.