Đừng đánh rơi hạnh phúc

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bây giờ chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong hôn nhân đã không còn tồn tại. Tuy nhiên, việc những ông bố bà mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện lấy vợ, lấy chồng của con cái vẫn không hề mất.

Có những lúc sự can thiệp ấy là tốt, bởi lời khuyên của người đi trước không bao giờ thừa. Nhưng khi sự can thiệp trở thành thái quá với những lý do không chính đáng, hay những cách nghĩ cũ cũng dẫn đến chuyện “dở khóc dở cười”.
 Ảnh mang tính chất minh họa.
Mỗi lần thấy anh dẫn người yêu về nhà chơi, mẹ anh lại đi ra đi vào ngắm nghía, nếu không thấy đạt được như “tiêu chuẩn” bà mong muốn, bà sẽ mặt nặng, mày nhẹ, lườm nguýt. Lần này cũng vậy, khi anh dẫn chị về, bà lại thể hiện sự quan tâm thái quá. Với chị - một cô gái ưa nhìn, ngoan ngoãn, chu đáo, việc làm ổn định, gia đình gia giáo nên bà không chê gì, nhưng bà lại băn khoăn vì chị không hợp số với anh, rồi nào là tuổi này không tốt… Anh chị cũng quen biết và yêu nhau một thời gian, bắt đầu tính đến chuyện cưới. Nhưng hễ mỗi lần nói chuyện với bố mẹ, bà lại gạt đi, bà bảo “nó lấy đâu mà chẳng được chồng, nhưng lấy con thì không được đâu. Rồi khổ cả đời đấy...”. Cứ như thế, mọi chuyện trở nên căng thẳng bởi cách nghĩ của bà. Và mỗi khi có ai hỏi đến chuyện vợ con của anh, bà lại thở ngắn, than dài và được dịp giãi bày: “Khổ lắm bác ạ, nói với nó bao nhiêu lần rồi mà nó có nghe đâu. Tôi đã đi xem rồi, số nó không hợp với con bé này đâu, thế mà nó cứ bám lấy nhau. Cả hai đứa lấy nhau sau này ngày nào cũng ba trận cãi nhau cho mà xem. Hơn nữa, nếu lấy con bé này, nó sẽ đè đầu, cưỡi cổ thằng bé mất...”.

Đó không phải là cá biệt, một người đàn ông khác còn bi đát hơn khi cũng rơi vào cảnh “mẹ chọn vợ” như thế. Bởi anh vốn là niềm tự hào của gia đình, đặc biệt là người mẹ, và cũng chính vì niềm thương yêu ấy cộng với sự mê tín, nên theo bà, con trai mình phải kén được người vợ có số phận phù trợ chồng con. Hễ có cô gái nào đến chơi nhà, bà không quan tâm đến việc cô ấy có công ăn việc làm như thế nào, gia đình ra làm sao, có xứng với con mình không..., bà chỉ xăm soi từng đường nét trên mặt, lân la hỏi han về những vấn đề không liên quan gì đến cuộc sống thực của họ, khiến nhiều cô gái phát ngượng không hiểu bà định điều tra để làm gì. Vì vậy, anh đưa cô gái nào về nhà bà cũng chê.

Rồi khi anh đã ngấp nghé 40, sốt ruột vì con trai chưa lấy được vợ, bà nhờ người mai mối kén được một cô gái da trắng, răng đều hạt bắp... Theo bà, tướng vậy là nhất phẩm phu nhân đó, anh mà lấy được dễ nhờ lộc cô mà thăng quan tiến chức. Anh chỉ cười, anh cũng ưng cô, nhưng là ở cái nết dịu dàng chứ không phải ở cái tướng của cô như người mẹ nói. Thế nhưng đến khi mượn thầy xem tuổi, mẹ anh mới hoảng hồn vì nghe thầy phán: “Hai người lấy nhau, con trai bà sẽ làm ăn lụn bại, suốt đời không ngóc đầu lên được”. Vậy là đôi trẻ vừa mới bén duyên, bà làm mọi cách bắt phải chia lìa. Từ đó, anh không còn mặn mà với chuyện vợ con.

Và năm đã ngoại tứ tuần, mẹ anh không thể chịu được cảnh đứa con rồng phượng mà đơn độc. Bà lại ra sức mai mối, tìm vợ cho con và lần này bà tin vào “sự lựa chọn” của mình, bởi theo bà cô gái sẽ giúp sự nghiệp của con mình bay lên. Chiều ý mẹ, đám cưới được nhanh chóng tổ chức. Nhưng về sống cùng một mái nhà, bà mới thấy cô dâu mà bà chọn lựa mấy chục năm mới có được ấy không biết làm gì cả. Trong cuộc sống vợ chồng, cô cũng không đủ tinh tế để hiểu ý của chồng. Cuộc sống gia đình nặng nề như trong địa ngục. Anh không muốn về nhà, lao vào chơi bời, từ rượu chè rồi cờ bạc. Đồ đạc trong nhà nhanh chóng ra đi. Bỏ bê công việc, rồi anh bị kỷ luật, bị đuổi việc. Lúc đó bà mới ân hận, thì đã quá muộn.

Còn với người đàn ông trong câu chuyện trước, có lẽ đã may mắn hơn khi anh cương quyết tin vào sự lựa chọn của mình chứ không phải "cái số”. Sau một thời gian làm công tác tư tưởng với mẹ không được, anh tự đứng ra tổ chức lễ cưới cho mình. Thôi thì đành vậy, bà cũng phải chấp nhận con dâu. Nhưng khác với suy tính của bà, cuộc sống vợ chồng anh vẫn trôi đi trong hạnh phúc, rồi thằng bé con ra đời, quấn quýt quanh bà. Bây giờ ai có nhắc đến chị là bà lại khen cô hết lời, rằng lấy được nó đúng là phúc. Ai nhắc lại chuyện trước kia bà tặc lưỡi: “Ừ, đấy là mê tín ấy mà, chớ có tin, tý nữa thì tôi làm mất hạnh phúc của con mình...”.