Đừng thương mại hóa

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học cũ đã khép lại. Nếu như con trẻ hớn hở đón nhận một mùa nghỉ hè mới sau chuỗi ngày miệt mài đèn sách thì các bậc phụ huynh lại có cảm giác lo lắng, hoang mang, quay cuồng vì không biết chọn khóa học hè nào cho con giữa “trăm hoa đua nở” được tung hô.

Quả thật, từ khi hè chưa đến, những tờ rơi về Học kỳ trong quân đội, Trại hè, Khoa học kỹ năng sống… đã có mặt tới tấp ngoài cổng trường; những cú điện thoại của “người lạ” thỉnh thoảng lại đổ chuông mời và tư vấn cha mẹ cho con tham gia khóa học; những lời quảng bá có cánh cứ như đưa nhau vào một guồng quay chóng mặt của sự cạnh tranh giáo dục. Thôi thì đủ kiểu tên trung tâm, Tây – Ta có cả với những cái tên “đích danh” kiểu như Mỹ thuật, Múa, Vẽ, Bơi… truyền thống. Cha mẹ như lạc trong mê cung của chữ nghĩa quảng cáo và những cái tên khóa học mà chẳng hiểu mình nên chọn địa chỉ nào thực sự hữu ích cho con.
Người lớn hoang mang là phải, bởi có tìm hiểu kỹ một vài chương trình học và chơi đang được quảng bá ấy mới thấy, nhiều khi chỉ là sự lắp ghép cho vừa vặn thời gian biểu. Môn học này dường như chẳng ăn nhập gì với môn học kia, thầy dạy được quảng cáo là nhiều kinh nghiệm giàu kỹ năng, nhưng đọc tên lại chẳng thấy “quen”, gặp thì thấy như… sinh viên mới ra trường. Và hơn tất cả, người ta không hiểu nổi, với chương trình học ấy, con trẻ sẽ thu nạp được điều gì sau khi… tốt nghiệp khóa học. Người lớn càng hoang mang hơn khi nhận ra ngày càng rõ cái sự thương mại hóa, kiếm lợi nhuận bằng hoạt động kinh doanh hè này. Bởi cái hoạt động cho trẻ em ấy ngoài được định giá bằng những khoản tiền triệu, nhưng lại luôn chạy đua, cạnh tranh về giá giữa các đơn vị với nhau, cạnh tranh mạnh mẽ ngay cả trong những “chiêu” chào mời phụ huynh, ưu đãi giảm giá, thậm chí chấp nhận mặc cả như việc bán mua hàng hóa ngoài chợ.

Không đánh đồng hết thảy những khóa học mùa hè đang hiện diện, cũng không “vơ đũa cả nắm” mà bài xích, hất bỏ đi những khóa học thiết thực cho con trẻ, nhưng hè đã đến trước cửa, Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đang hân hoan đón chào, xin người lớn hãy thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn khi gửi con đến những lớp học mùa hè đó. Vẫn biết, giữa guồng quay hối hả của cuộc sống nơi đô thị này, cũng có những cha mẹ phải chấp nhận mất học phí gửi con đến những lớp học ngoại khóa để đi làm, dù biết chắc con chẳng thu nạp được kiến thức gì. Song dẫu vì bất cứ lý do gì thì cũng hãy dành chút thời gian lắng nghe và tìm hiểu để chọn được cho con những địa chỉ tin cậy giữa cuộc thương mại hóa giáo dục này. Chắc chắn sẽ tìm được vì “tiếng lành đồn xa” mà “tiếng dữ” cũng đồn xa…