Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Khởi đầu cho hệ thống giao thông hiện đại

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/9, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã phối hợp cùng báo Kinh tế & Đô thị tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị (ĐSĐT) ở Hà Nội”.

Nhiều vấn đề xoay quanh ĐSĐT nói chung và tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông nói riêng đã được làm rõ, khẳng định vai trò tất yếu của ĐSĐT trong sự phát triển chung của Hà Nội.
 Quang cảnh buổi tọa đàm, giao lưu trực tuyến. Ảnh: Phạm Hùng
Tham dự buổi Tọa đàm có Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học; Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức; Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cùng đại diện Bộ GTVT, Sở GTVT, Ban Quản lý đường sắt Hà Nội; đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan; nhiều chuyên gia và người dân quan tâm.

Nỗ lực rút ngắn thời gian thử nghiệm

Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông là tuyến ĐSĐT đầu tiên, chuẩn bị đi vào vận hành ở Hà Nội và cũng là đầu tiên ở Việt Nam. Các đại biểu, chuyên gia đều chung quan điểm cho rằng, không chỉ đáp ứng cầu đi lại của người dân, giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường, ĐSĐT còn góp phần tích cực đổi mới diện mạo và văn hóa giao thông của Thủ đô.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thanh Học: Truyền thông phải đi trước một bước

Công tác tuyên truyền về tuyến ĐSĐT số 2A có hai vấn đề quan trọng, một là tuyên truyền cho mọi người biết những ưu điểm tích cực; hai là hướng dẫn mọi người sau này sử dụng ĐSĐT như thế nào cho thuận lợi nhất. Có rất nhiều vấn đề người dân đang cần, trong đó có vấn đề tuyên truyền về ĐSĐT. Trong thời gian đầu, thông tin về ĐSĐT đến với người dân còn ít nên nhiều người chưa quan tâm. Sau bao nhiêu năm nỗ lực, cố gắng, chúng ta đã đưa vào vận hành được tuyến ĐSĐT đầu tiên, chắc chắn là hiện đại, văn minh và tiện lợi. Vậy thì chúng ta phải tập trung vào tuyên truyền để người dân hiểu và ngày càng ủng hộ.

Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường phân tích, sở dĩ tuyến ĐSĐT số 2A mang nhiều kỳ vọng như vậy bởi nó có những lợi thế mà không một loại hình vận tải công cộng nào có được. Tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông có lộ trình 13,1km đường sắt đi trên cao, 1,7km ra vào khu depot, 12 nhà ga; đi qua một trong những trục chính đô thị có mật độ giao thông cao nhất của Hà Nội là: Nguyễn Trãi - Láng - Hoàng Cầu - Cát Linh. Vận tốc khai thác của đoàn tàu tuyến số 2A dự kiến sẽ đạt 35km/giờ; từ 10 - 15phút/lượt; đáp ứng gần 1.000 hành khách/lượt; mỗi ngày tối đa vận chuyển được 140.000 - 180.000 hành khách. Với lợi thế hạ tầng vận hành riêng biệt, không xung đột với các loại hình giao thông vận tải khác, tuyến ĐSĐT số 2A sẽ đảm bảo vận chuyển hành khách thuận tiện, nhanh chóng hơn gấp nhiều lần các loại hình VTHKCC khác.

Ngày 20/9 vừa qua, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, tuyến ĐSĐT đầu tiên của Hà Nội cũng như cả nước đã được đưa vào chạy thử nghiệm kỹ thuật. Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Đường sắt, Bộ GTVT Vũ Hồng Phương cho biết, công tác vận hành thử được thực hiện theo quy trình kéo dài từ 3 - 6 tháng. “Thông thường quy trình này tại các nước khác là 6 - 9 tháng. Nhưng chúng tôi đang đặt mục tiêu nỗ lực, làm việc ngày đêm để rút ngắn thời gian thử nghiệm, phấn đấu đưa tuyến ĐSĐT số 2A vào vận hành chính thức trước Tết Nguyên đán 2019” - ông Phương thông tin.

Đảm bảo kết nối thuận tiện

Vấn đề được đông đảo chuyên gia cũng như người dân Hà Nội nêu lên nhất là làm thế nào để kết nối đồng bộ, hiệu quả tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh - Hà Đông với các loại hình vận tải công cộng khác, cũng như thuận tiện cho người dân sử dụng nhất.

Giải đáp các thắc mắc này, Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, việc chuẩn bị cho việc tổ chức lại mạng lưới xe buýt kết nối với tuyến ĐSĐT số 2A đã được chuẩn bị từ 2 năm nay. Trên hành lang tuyến 2A hiện có khoảng 30 tuyến xe buýt và phần lớn sẽ được sắp xếp lại, điều chuyển nhằm kết nối tốt nhất với 12 nhà ga, đặc biệt là 2 ga đầu cuối của tuyến ĐSĐT. Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế, Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ xem xét đưa thêm các tuyến xe buýt mới vào, tăng cường dịch vụ tuyến cũ; từng bước điều chỉnh lộ trình các tuyến song trùng theo mức độ yêu cầu của hành khách. Ngoài ra, tạm thời đã bố trí được điểm dừng đỗ phương tiện tại 8 nhà ga; điểm dừng đỗ ở vị trí lân cận các nhà ga còn lại. “Nơi nào có nhà ga ĐSĐT nơi đó sẽ có điểm dừng chờ xe buýt để thuận tiện nhất cho người dân sử dụng” - ông Hải nhấn mạnh.

Đại diện Bộ GTVT cũng khẳng định, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đảm bảo mọi yêu cầu về chất lượng kỹ thuật cũng như độ an toàn. Ông Vũ Hồng Trường nhấn mạnh: “Tuyến ĐSĐT đầu tiên cũng như bước chân đầu tiên trên đường vạn dặm. Đây là dấu mốc đáng nhớ, là sự khởi đầu cho một thời kỳ phát triển mới văn minh, hiện đại của hệ thống giao thông đô thị nói chung và vận tải công cộng nói riêng của Hà Nội”.

"Sự xuất hiện của ĐSĐT là cơ hội lớn để xe buýt nâng cao sản lượng, mở rộng mạng lưới tuyến. Ví dụ như tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ thu hút, chuyển tải lượng hành khách rất lớn, hàng trăm nghìn người mỗi ngày. Việc tạo ra một tuyến đường đông đúc người dân qua lại thường xuyên sẽ tạo nên một hành lang rất thuận tiện để phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại trên tuyến cửa ngõ Tây Nam Thủ đô. Càng đông người dân đi - đến khu vực xung quanh ĐSĐT thì nhu cầu sử dụng xe buýt để trung chuyển sẽ càng lớn, là động lực, điều kiện thuận lợi để không chỉ xe buýt mà các loại hình vận tải công cộng khác cùng phát triển. Dự báo sản lượng khách trên tuyến đường có ĐSĐT chạy song song sẽ tăng khoảng 30%." - Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải


"ĐSĐT là phương thức mới với chúng ta, kỳ vọng bao giờ cũng lớn, tạo nên áp lực nặng nề. Trong khi đó, quá trình quản lý, khai thác, vận hành ĐSĐT sẽ có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Các đơn vị vận hành, quản lý, khai thác ĐSĐT cần có sự ủng hộ tối đa của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, truyền thông và sự cảm thông của người dân để hạn chế bớt những khiếm khuyết, dần tự hoàn thiện mình. Nhưng bên cạnh đó, đơn vị cũng cần tự chuẩn bị chu đáo cả về lực lượng nhân sự lẫn trình độ, kiến thức để thành công trong công tác triển khai vận hành ĐSĐT. " - GS.TS Bùi Xuân Phong (Hội Kinh tế - Vận tải đường sắt Việt Nam)