Giá dầu giảm hơn 1% bất chấp việc giao thương tại kênh đào Suez bị gián đoạn

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu quay đầu đi xuống trong phiên ngày 25/3 do lo ngại nhu cầu có thể sụt giảm khi nhiều nước châu Âu kéo dài lệnh phong tỏa ngăn đợt tái bùng phát dịch Covid-19 mới.

Sức ép từ làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới tại châu Âu đối với triển vọng nhu cầu khiến giá dầu giảm hơn 1% trong phiên ngày thứ năm, bất chấp tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez khiến hàng chục tàu chở dầu thô từ Trung Đông bị ùn tắc.
Cụ thể, giá dầu Brent giao sau giảm 77 xu Mỹ, tương đương 1,2%, xuống 63,64 USD/thùng, sau khi tăng vọt 6% ở phiên ngày 24/3.
 Tàu chở container khổng lồ Ever Given bị mắc cạn, chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ sụt 87 xu Mỹ,  khoảng 1,4%, về mức 60,31 USD/thùng, sau khi leo dốc 5,9% trong phiên trước đó.
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong ngày 24/3 sau khi một tàu chở container khổng lồ Ever Given bị mắc cạn, chắn ngang kênh đào Suez - nối liền Địa Trung Hải và vịnh Suez.
Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập ngày 24/3 cho biết, họ đang nỗ lực làm nổi tàu chở container Ever Given gây tắc nghẽn lưu thông tại một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.
Theo các nguồn tin, sự cố trên đã làm gián đoạn các chuyến đi thường xuyên qua kênh đào Suez, tuyến đường biển nhanh nhất giữa châu Á và châu Âu.
Một số công ty dự báo nói rằng việc giao thông trên kênh đào Suez bị tê liệt khiến khoảng 10 tàu chở dầu bị ùn tắc với khoảng 13 triệu thùng dầu.
Giá “vàng đen” giảm liền trong các phiên giao dịch đầu tuần do thị trường gia tăng  lo ngại về các lệnh phong tỏa ngăn dịch Covid-19 tại châu Âu cản trở đà phục hồi của nhu cầu nhiên liệu.
Ông Stephen Innes - Giám đốc chiến lược thị trường tại Axi nhận xét: “Giá dầu suy yếu trở lại trong ngày hôm nay, chủ yếu do chịu sức ép từ việc nhiều nước tái áp đặt phong tỏa, nhu cầu của Trung Quốc tăng chậm và xuất khẩu dầu mỏ của Iran tăng mạnh”.
Theo chuyên gia Stephen Innes, rõ ràng nguy cơ tái diễn kịch bản thừa cung trên thị trường năng lượng toàn cầu đã lấn át nỗi lo về gián đoạn tạm thời về nguồn cung tại Trung Đông.
ING Economics cho biết: “Sự gián đoạn giao thương tại kênh đào Suez nếu tiếp tục kéo dài, nhiều khả năng các nhà máy lọc dầu và khách hàng sẽ chuyển sang thị trường giao ngay để đảm bảo nguồn cung từ nơi khác”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông bị gián đoạn khó có thể đẩy giá dầu đl lên giữa lúc ngày càng gia tăng lo ngại về nhu cầu nhiên liệu toàn cầu.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank lưu ý thêm: “Sự cố tắc nghẽn giao thông tại kênh đào Suez hiện tại chưa thể gạt bỏ tâm lý bi quan của nhà đầu tư về triển vọng phục hồi nhu cầu”.
“Không chỉ lo ngại về diễn biến dịch tại châu Âu, số ca nhiễm Covid-19 cũng tăng đột biến tại Ấn Độ và Brazil, những nền kinh tế đang phát triển vốn tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới” - chuyên gia Dhar cho hay.
Trước những lo ngại về nhu cầu tiếp tục suy yếu, giới quan sát kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ đưa ra quyết định cắt giảm nguồn cung từ tháng 5 trong cuộc họp chính sách, dự kiến ​​vào ngày 1/4 tới.
Theo nhà phân tích hàng hóa Jeffrey Halley tại OANDA, trong những phiên giao dịch sắp tới, thị trường dầu khó có thể lặp lại đà tăng mạnh ghi nhận hồi đầu tháng này.