[Gia đình] Con gần, con xa

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường trong gia đình, người ở xa luôn được thương yêu quý mến, còn người ở gần không được coi trọng. Cũng vì con xa, con gần mà nhiều gia đình các thành viên bằng mặt nhưng không bằng lòng.

Chuyện con ở xa, ở gần thời nay khá phổ biến, hầu như gia đình nào cũng có những người con đi làm ăn xa xứ rồi định cư lại luôn. Gia đình ít con không sao, gia đình đông con thường sẽ xảy ra ganh ghét đố kỵ, bởi khi con cháu ở xa về, ông bà cha mẹ có xu hướng thể hiện nhiều sự yêu thương quý mến hơn. Đây là tâm lý cực kỳ dễ hiểu, nhưng dù xa dù gần, cả 2 cũng nên thử một lần đặt vị trí vào nhau, để thấy được giá trị riêng của mỗi người.
Con cháu ở xa, một tháng có khi một năm hay vài năm mới về thăm ông bà một lần, lâu ngày không gặp sẽ có nhiều chuyện để nói nên ông bà sẽ nói chuyện hỏi thăm nhiều hơn, hỏi xem hàng ngày con cháu có thói quen làm gì, hay ăn những gì.
 Ảnh minh họa.
Và dĩ nhiên, vì không gặp thường xuyên nên cách nói chuyện sẽ có chút khách sáo hơn, ông bà sẽ dùng ngôn từ lịch sự hơn, thể hiện nhiều sự yêu thương hơn. Người ngoài nhìn vào sẽ thấy ngay sự khác biệt trong cách đối xử hàng ngày của ông bà.
Con cháu ở gần, ngày nào cũng gặp, ăn uống chung mâm, đi ngủ chung nhà, mọi thói quen hoạt động hàng ngày ông bà đều nắm rõ nên lẽ dĩ nhiên cũng không cần phải hỏi thăm.
Thậm chí khi ở gần, mọi người trở nên quá quen thuộc với nhau nên sẽ có những hành động lời nói không cần e dè khách sáo, có khi còn là nói chuyện “bốp chát” với nhau. Chính vì vậy, người ở gần sẽ có cảm giác mình không được tôn trọng. Và khi có con cháu ở xa về, người ở gần mới thật sự thấy rõ về cách đối xử khác biệt của ông bà dành cho con cháu gần - xa.
Bố mẹ tôi có 3 người con, cả 3 đều ở xa, nên gia đình nào trở về thăm cũng được ông bà đối xử như nhau. Nhà ông chú tôi lại khác, chú có hai người con trai, cậu cả lập nghiệp rồi mua được nhà cửa ở thành phố nên cưới vợ xong cả nhà định cư ở đó luôn, cậu út làm việc ở quê, và đương nhiên sẽ kiêm luôn việc chăm lo cho ông bà.
Hôm rồi, về quê gặp vợ cậu út, con bé ngồi than thở hết cả buổi, kể lể đủ chuyện, ngoài chuyện cảm thấy không hợp với bố mẹ chồng, cảm thấy ông bà ghét mình, con bé cũng đem luôn vợ chồng cậu cả ra so sánh.
Con bé kể, vợ chồng anh cả mỗi tháng về thăm ông bà một lần vào 2 ngày cuối tuần, mà mỗi lần về cũng chỉ mua vài cân hoa quả mùa nào thức nấy, thi thoảng mua thêm cho ông bà manh quần tấm áo, lâu lâu chắc cũng cho ông bà chút tiền, mà ông bà quý lắm, tự hào lắm, đi khoe khắp xóm, kể lể dâu cả ngoan có hiếu mua này mua kia cho, trong khi vợ chồng em ở với ông bà, cơm ngày 3 bữa vợ chồng em lo, trái cây rồi bánh trái em vẫn mua đủ không thiếu.
Mùa hè nóng, mùa đông lạnh, thương ông bà có tuổi, vợ chồng em cũng cố gắng dành dụm lắp cho phòng ông bà cái điều hòa 2 chiều. Bình thường bà nói thèm gì là hôm sau em cũng đi mua về cả nhà cùng ăn. Vậy mà bà vẫn đi kể nói vợ chồng em thế này thế kia, chỉ vì đôi lúc chồng em hay cãi lại ông bà.
Còn nữa, con anh chị cả về chơi ông bà chăm bẵm ôm bế cưng như trứng, như cục vàng của ông bà, con em ở nhà ông bà quát mắng suốt ngày… Chưa kể, vợ chồng anh chị ấy về, em còn phải lo cơm nước thịnh soạn, hôm nào mà ăn uống đơn giản là ông bà nói bảo vợ chồng em keo kiệt.
Nghe con bé than xong, tôi chỉ cười bảo: “Con vợ chồng mày 3 đứa từ lúc đẻ đến lúc đi học có ông bà phụ chăm lo, vợ chồng mày đi làm về cơm nước có sẵn, con cái ông bà cũng tắm rửa hết rồi, nhà cửa ông bà dọn dẹp. Được ông bà lo cho đến thế rồi còn so sánh gì nữa, vợ chồng thằng cả tháng về 1 lần, ông bà ít gặp con cháu, thể hiện quý mến hơn là bình thường. Mày xem vợ chồng con cái nó chỉ được ông bà chăm lo có 2 ngày cuối tuần, tính ra nhà nó không so sánh với mày thì thôi”. Nghe xong con bé gật gù có vẻ thấy nhà mình vẫn được ông bà “ưu ái” hơn nhiều nên không nói gì nữa.
Con gần con xa, con nào cũng là con, không thể mang tình cảm dành cho đứa con hàng năm mới gặp so với đứa gặp mỗi ngày được. Nếu trong lòng bỗng nảy sinh sự so sánh, hãy thử đặt mình vào vị trí của người kia để thấy ông bà bố mẹ luôn công bằng.