Giá vé máy bay lên xuống thất thường, ngành du lịch gặp khó

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng không và du lịch là hai lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc giá vé máy bay lên xuống thất thường trong thời gian qua khiến nhiều điểm du lịch gặp khó và rơi vào tình trạng bị động.

Thị trường bay nội địa liên tục tăng trưởng nóng trong thời gian qua được cho là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao.
Thị trường bay nội địa liên tục tăng trưởng nóng trong thời gian qua được cho là nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao.

“Chóng mặt” vì giá vé máy bay

Kể từ khi thế giới quay lại cuộc sống bình thường sau đại dịch Covid-19, ngành hàng không đã có những bước phục hồi mạnh mẽ. Thị trường bay nội địa và quốc tế đều được nối lại, trong đó, bay nội địa đã đạt được mức tăng trưởng thần tốc. Đặc biệt, kể từ cao điểm hè 2022, lượng hành khách nội địa đi máy bay tăng mạnh, kéo theo cơn sốt vé máy bay kéo dài và từ đó, giá vé cũng liên tục bị đẩy lên cao ngất ngưởng.

Đỉnh điểm là cao điểm nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2023 vừa qua. Có thời điểm, giá vé máy bay tới các TP du lịch như: Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang…. bị đẩy lên mức hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không có vé để mua. Trước tình hình đó, nhiều hãng hàng không đã đưa ra khuyến cáo khách hàng nên chủ động đặt vé sớm để có mức giá tốt. Bởi vì theo dự báo của hãng, giá vé máy bay sẽ còn tăng lên cao nữa do nhu cầu lớn và khả năng cung ứng có hạn.

Kì nghỉ lễ kéo dài, nhiều gia đình lên kế hoạch đi du lịch, nhu cầu mua vé máy bay vì thế cũng tăng lên. Đây được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá vé máy bay bị đẩy lên cao. Thế nhưng, trước sức nóng quá lớn của những cặp vé này, không ít gia đình đã buộc lòng hủy kế hoạch du lịch. Sau một thời gian “hoa mắt, chóng mặt” săn vé, nhiều người đá chấp nhận bỏ cuộc và chọn chuyến đi bằng phương tiện khác.

Sự kịch tính của thị trường vé máy bay được đẩy lên cao nhất vào những ngày sát kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2023 khi giá vé của hàng loạt đường bay, thậm chí là những đường bay “vàng” bỗng đua nhau rớt giá thê thảm. Ghi nhận trên website của năm hãng bay nội địa, chặng bay từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội kết nối đến các điểm du lịch như: Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang... ngày 29/4 vẫn còn vé mua liền đi trong ngày. Chọn lùi bay ngày 30/4 hoặc 1/5, giá vé máy bay lại giảm đến 30-50%, nhiều chuyến bay vẫn còn vé mở bán.

Muốn tăng trưởng bền vững, ngành hàng không phải giữ được sự ổn định của thị trường vé máy bay.
Muốn tăng trưởng bền vững, ngành hàng không phải giữ được sự ổn định của thị trường vé máy bay.

Ngành du lịch trở tay không kịp

Sự bất thường của thị trường vé máy bay khiến nhiều DN du lịch trở tay không kịp. Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây (trừ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát), các điểm du lịch “vàng” bất ngờ rơi vào tình trạng vắng khách ngay giữa cao điểm của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đơn cử như khu du lịch Sun World Ba Na Hills ở Đà Nẵng, lượng khách đặt vé trong kỳ nghỉ lễ vừa qua chỉ đạt 80% so với năm 2019. Đại diện khu du lịch này cho hay, lượng khách đặt vé chưa đạt được như kỳ vọng do giá vé máy bay tăng quá cao giai đoạn đầu hè đã ảnh hưởng đến quyết định du lịch của khách.

Tương tự, nhiều khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc… cũng rơi vào tình trạng vắng khách do ảnh hưởng giá vé máy bay dịp lễ tăng cao nên đa số người dân đã thu xếp đi chơi trước lễ. Một số khác có xu hướng chọn những cơ sở lưu trú bình dân hơn để tiết kiệm chi phí.

Thậm chí, việc giá vé máy bay bất ngờ giảm mạnh vào những ngày đầu nghỉ lễ không giúp ích cho các công ty du lịch mà còn khiến họ càng trở nên bị động. Nguyên nhân bởi việc giá vé máy bay giảm cận lễ sẽ tạo nên sự so sánh giá, thay vì đặt vé từ sớm du khách sẽ canh đến sát ngày nghỉ mới đặt vé.

 

Các hãng hàng không đều có công cụ để theo dõi và chế tài xử lý các trường hợp đại lý "găm hàng" lên giá. Tuy nhiên, trong giai đoạn cao điểm, các hãng hàng không thường điều chỉnh chính sách đặt, giữ chỗ, rút ngắn thời gian giữ chỗ của các đại lý để tránh tình trạng trên - đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Cho dù Cục Hàng không Việt Nam đã lên tiếng khẳng định rằng, các hãng hàng không đều bán vé đúng quy định, tuy nhiên, sự lên xuống chỉ trong một thời gian ngắn của giá vé máy bay đặt ra nghi vấn về việc có sự bất thường trên thị trường giá vé máy bay.

Các chuyên gia cho rằng, để xảy ra tình trạng giá vé "tung hứng" bất thường như hiện nay là điều rất nguy hiểm cho cả ngành hàng không lẫn du lịch. Nếu không có những biện pháp chế tài đủ mạnh, kiểm soát đủ chặt chẽ, sẽ làm méo mó thị trường vé máy bay, từ đó, khiến những lĩnh vực liên quan khác, nhất là du lịch cũng bị ảnh hưởng theo.

Sự "quay lưng" của một bộ phận không nhỏ khách hàng đối với hàng không do giá vé máy bay bị đẩy lên quá cao được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến vé máy bay bị rớt giá thảm hại trong các ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không nhận định, giá vé máy bay đột ngột giảm ngay ngày lễ 30/4 do ế ẩm. Các hãng bay đã bán vé quá cao, người dân hạn chế đi lại. Khi tăng chuyến, sức mua yếu, dẫn đến giá vé ồ ạt giảm để lấp đầy chuyến bay. Cũng theo chuyên gia này, các hãng hàng không cần rút ra bài học kinh nghiệm để các năm sau điều chỉnh giá vé máy bay cho phù hợp. 

 

“Giá vé bị tác động chủ yếu do chủ trương từ các hãng hàng không. Ban đầu, hãng bán vé giá cao nhưng gần sát ngày, nhiều ghế vẫn chưa được lấp đầy nên họ hạ giá để tối ưu hóa lợi nhuận. Khách hàng mua sớm vì nghĩ có giá tốt nhưng sau đó, họ lại là người chịu thiệt. Hiện, chỉ một số đại lý hay công ty lữ hành vẫn ôm seri vé vào những đợt cao điểm nhưng chỉ có vé ở một số chuyến bay chứ không thể ôm được số lượng lớn, vì số tiền phải trả trước lên tới hàng tỷ đồng. Do đó, dù đại lý có "xả hàng" thì số lượng cũng rất nhỏ, ở một số tuyến rất giới hạn và khó tác động được đến giá cả thị trường nói chung - Chủ tịch HD Holding Ngô Minh Đức.