Giải pháp để Đà Nẵng khơi thông nguồn lực, tăng trưởng kinh tế

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Giải pháp để khơi thông nguồn lực nhằm thu hút đầu tư, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8,5% năm 2024 và phát triển đột phá đã được các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng thảo luận tại phiên họp sáng 13/12.

Cần sớm được xây dựng và thụ hưởng các chính sách đột phá

TP Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2024, GRDP tăng từ 8-8,5%; thu ngân sách tăng từ 5-7% so với ước đạt của năm 2023. Theo đại biểu Huỳnh Huy Hòa – Tổ đại biểu HĐND huyện Hòa Vang, để đạt được mục tiêu tăng trưởng này thì dự kiến quy mô nền kinh tế đạt mức khoảng 165 ngàn tỷ đồng. Nghĩa là, quy mô nền kinh tế phải tăng khoảng 30 ngàn tỷ đồng so với năm 2023.

“Đây thực sự là một thách thức vô cùng lớn bởi trong 2 năm qua, năm 2022 để tăng trưởng 13,2% thì quy mô kinh tế mở rộng khoảng 16,6 ngàn tỷ đồng so với 2021; năm 2023 để ước tăng trưởng đạt 2,58% thì quy mô nền kinh tế mở rộng 9,25 ngàn tỷ đồng so với 2022. Như vậy, tăng quy mô 30 ngàn tỷ đồng của năm 2024 còn lớn hơn mức tăng quy mô 2 năm 2022 và 2023 (chỉ khoảng gần 27 ngàn tỷ đồng). Thử so sánh với số liệu của một trong những điểm sáng trong năm 2023, lĩnh vực du lịch chúng ta đạt 7,3 triệu lượt khách, tăng gấp đôi so với năm 2022, tương đương với mức năm 2019; doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành tăng hơn gấp 2,2 lần so với năm 2022 nhưng cũng chỉ tăng hơn 7 ngàn tỷ đồng về doanh thu” – ông Hòa phân tích.

Đại biểu Huỳnh Huy Hòa nêu giải pháp giúp Đà Nẵng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đại biểu Huỳnh Huy Hòa nêu giải pháp giúp Đà Nẵng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Một thách thức khác mà ông Hòa đưa ra là năm 2023, có 3 ngành kinh tế tăng trưởng âm gồm bất động sản, xây dựng, bán buôn ô tô cũng chưa có dấu hiệu phục hồi, khả năng mức độ tăng trưởng năm 2024 chưa thể dự báo được. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo (thường chiếm hơn 12-14% GRDP) sau năm 2022 phục hồi tăng trưởng khoảng 6%, sang năm 2023 gần như không tăng trưởng cũng khó có thể có đột phá trong năm 2024.

 

Năm 2023, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng ước tăng 2,58% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước giảm 12,3%. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giảm 14,6%. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 20.598 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán HĐND TP giao, bằng 85,6% so với năm 2022. Năm 2024, TP Đà Nẵng đặt mục tiêu GRDP tăng từ 8-8,5%; thu ngân sách tăng từ 5-7% so với ước đạt của năm 2023.  

Từ phân tích trên, ông Hòa cho rằng, bên cạnh những nhóm giải pháp đã đề xuất, đòi hỏi TP Đà Nẵng cần sớm được xây dựng và thụ hưởng các chính sách đột phá, đủ lớn, đủ mạnh, đặc thù, tạo động lực, có tính lan toả, thuận lợi thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể là các chính sách về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; chính sách lớn về hình thành khu phi thuế quan về thương mại dịch vụ; chính sách đột phá phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; xây dựng trung tâm logistics; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

“Ngoài ra, cần xem xét giải pháp thu hút các nhà đầu tư chiến lược là giải pháp mang tính quyết định đối với yêu cầu nâng cao năng suất và sức cạnh tranh không chỉ đối với lĩnh vực sản xuất mà còn đối với cả nền kinh tế TP. Điều này nhằm hình thành chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị với sản phẩm giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hóa cao, cũng như lan tỏa về mặt công nghệ và hỗ trợ tích cực sự phát triển của các doanh nghiệp địa phương”- ông Hòa đề xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” để khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư cho Đà Nẵng cũng là vấn đề được đại biểu đặc biệt quan tâm, dành thời gian thảo luận.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phúc – Tổ đại biểu HĐND đơn vị quận Liên Chiểu, bên cạnh những điểm sáng thì cần nhìn nhận Đà Nẵng còn rất nhiều khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hay các vấn đề đất đai chậm được xử lý kéo dài nhiều năm qua.

“Việc triển khai các dự án đầu tư mới, đặc biệt là dự án mở rộng có tác động và đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng của TP, mặc dù đã có sự chuẩn bị sẵn nhiều nguồn lực nhưng vẫn còn đó những khó khăn chưa thể triển khai được do nhiều quy định hiện hành. Ví dụ vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn như đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng. Chính những điều này tạo rào cản đến thu hút nguồn lực, nguồn vốn đầu tư” – ông Phúc nêu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc nêu nhóm giải pháp khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư cho Đà Nẵng.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc nêu nhóm giải pháp khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư cho Đà Nẵng.

TP Đà Nẵng được giới đầu tư nhìn nhận là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư năm 2023 so với vị thế, tiềm năng của mình vẫn còn khiêm tốn. Phải chăng ngoài cơ chế, thể chế thì vấn đề điều hành, triển khai thực hiện, công tác triển khai xúc tiến và kêu gọi đầu tư cũng là nguyên nhân khiến nguồn vốn đầu tư vào Đà Nẵng còn khiêm tốn?

Từ đó, ông Phúc cho rằng, Đà Nẵng cần quan tâm đến vấn đề ổn định chính sách, ổn định xã hội trong bối cảnh kinh tế khu vực đang bất ổn và khó khăn. Qua đó, giúp các nhà đầu tư đến Đà Nẵng yên tâm, tự tin với những cơ chế thông thoáng, ưu đãi và cảm nhận như được “trải thảm đỏ”.

“Chúng ta có thể đưa ra một quyết tâm cụ thể là ở đâu có dự án mới, ở đâu có dự án đầu tư mở rộng với quy mô và tác động to lớn đến sự phát triển của TP thì ở đó cần có một sự đồng hành thiết thực của các cơ quan liên quan, dưới sự chỉ huy của lãnh đạo TP. Phải giao nhiệm vụ rõ ràng, mục tiêu cụ thể” – ông Phúc nêu giải pháp.

Thảo luận thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng Trần Thị Thanh Tâm cho biết, tiềm năng kinh tế của TP bắt đầu chững lại, vì vậy cần có động lực mới.

“TP sẽ tập trung xây dựng các mũi nhọn mới và xây dựng những chính sách đột phá về cơ chế để báo cáo Trung ương cho phép nhằm tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội thời gian đến. Đồng thời, tập trung hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 đặt ra nhưng chưa hoàn thành, đến năm 2024 buộc phải hoàn thành như phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp… để có sức bật mới” - bà Tâm cho hay.