Đà Nẵng khai mạc Kỳ họp HĐND thứ 15, khoá X nhiệm kỳ 2021-2026:

Lĩnh vực kinh tế có nhiều điểm sáng

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng vẫn có những điểm sáng, như: quy mô kinh tế tăng gần 10 nghìn tỷ đồng; du lịch tăng gấp đôi số lượng khách so với năm 2022…

Những điểm sáng

Sáng 12/12, HĐND TP Đà Nẵng khai mạc Kỳ họp thứ 15, Khóa X nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế - xã hội địa phương vẫn có nhiều điểm sáng.

Cụ thể, quy mô kinh tế tăng gần 10 nghìn tỷ đồng; du lịch tăng gấp đôi số lượng khách so với năm 2022; công tác chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả và giải thưởng quan trọng.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Quang Hải)
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu khai mạc kỳ họp. (Ảnh: Quang Hải)

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với việc TP phê duyệt các quy hoạch phân khu.

Bên cạnh đó, các chương trình an sinh xã hội được duy trì thực hiện tốt với những chính sách đặc thù, riêng có của TP; đời sống nhân dân được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Cũng theo Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết, TP đã sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 119 của Quốc hội, gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời nỗ lực làm việc với Trung ương, Quốc hội, Chính phủ để đề xuất có thêm nhiều cơ chế chính sách đặc thù, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho phát triển TP mạnh mẽ hơn trong thời gian đến.

“Tuy nhiên, TP cũng vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, với nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp, một số chỉ tiêu chưa đạt Nghị quyết HĐND năm 2023. Nhiều ngành, lĩnh vực phục hồi chậm và còn khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều thách thức. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp” – ông Triết nêu.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên, theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, đòi hỏi Đà Nẵng cần có cách làm đột phá hơn, quyết liệt hơn, nhất là khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn mang tính chủ quan, nâng cao chất lượng lãnh đạo điều hành thì mới có thể phát triển nhanh, mạnh và bền vững như các mục tiêu đã đặt ra.  

Tổng thu ngân sách Nhà ước đạt 20.598 tỷ đồng

Báo cáo tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh năm 2010) ước tăng 2,58% so với năm 2022. Giá trị tăng khu vực dịch vụ ước tăng 4,1%. Giá trị gia tăng khu vực công nghiệp – xây dựng ước giảm 2,05%. Giá trị gia tăng khu vực nông – lâm nghiệp – thủy sản ước tăng 1,19%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt khoảng 12,3%.

GRDP bình quân đầu người đạt 4.435 USD (nghị quyết là 4.500 USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước giảm 12,3%. Tổng thu ngân sách nhà trên địa bàn ước đạt 20.598 tỷ đồng, bằng 87,8% dự toán HĐND TP giao và bằng 85,6% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (giá hiện hành) ước giảm 14,6%.

Mặc dù còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2023, kinh tế- xã hội TP Đà Nẵng vẫn có nhiều điểm sáng. (Ảnh: Quang Hải)
Mặc dù còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nhưng năm 2023, kinh tế- xã hội TP Đà Nẵng vẫn có nhiều điểm sáng. (Ảnh: Quang Hải)

Tại Kỳ họp lần này, HĐND TP Đà Nẵng sẽ thảo luận, bàn bạc cho ý kiến 156 tài liệu, dự kiến thông qua 43 Nghị quyết với nhiều chủ trương quan trọng, có tác động lớn và trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Trong đó, Kỳ họp xem xét, cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024; dự toán thu, chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công năm 2024 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 -2025; điều chỉnh bổ sung danh mục dự án trọng điểm, động lực TP giai đoạn 2021-2025, cho ý kiến về điều chỉnh chế độ, chính sách người hoạt động không chuyên trách phường, xã, người tham gia công việc ở tổ dân phố, thôn.

Kỳ họp cũng sẽ xem xét, cho ý kiến một số chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù của TP như: nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách trợ cấp thường xuyên và đột xuất đối với người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành thời gian để thảo luận, thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Về tình hình thực hiện các dự án chậm triển khai, dự án chậm bàn giao, dự án chậm đưa đất vào sử dụng” và “Về việc thực hiện các quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP”, làm cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua giám sát để thực hiện tốt hơn các nội dung này thời gian đến.  

Một nội dung rất quan trọng tại Kỳ họp lần này là HĐND thành phố sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 26 người giữ chức vụ do HĐND bầu, đảm bảo nguyên tắc và quy trình theo Nghị quyết số 96 của Quốc hội.