Giảm thuế để khoan sức dân

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá hàng hóa của DN cũng như cuộc sống của người dân.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Bộ Tài chính mới đây vừa trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu.

Theo đó, Bộ này đề xuất giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng, dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao. Đây không phải là lần đầu tiên mặt hàng thiết yếu xăng, dầu được đề xuất điều chỉnh thuế. Trước đó, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu đã giảm xuống mức sàn, thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng đã điều chỉnh giảm từ 20% xuống 10%.

Xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá hàng hóa của DN cũng như cuộc sống của người dân. Mặt khác, xăng, dầu cũng đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách. Vì thế, việc liên tục đề xuất giảm thuế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến túi tiền ngân sách về ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, việc giảm thuế để điều tiết giá sẽ tác động tích cực đến đời sống người dân, hoạt động DN, nuôi dưỡng nguồn thu để tăng thu ngân sách.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế GTGT đối với xăng, dầu, áp dụng trong 6 tháng, nếu tính bình quân một tháng, số giảm thu NSNN của 2 sắc thuế này khoảng 1.239 tỷ đồng/tháng. Nếu tính cả giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 (khoảng 132 tỷ đồng/tháng), Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 2.661 tỷ đồng/tháng) và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 (khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng) thì tổng giảm thu NSNN một tháng khoảng 5.432 tỷ đồng/tháng.

Thu ngân sách giảm là điều thấy rõ, tuy nhiên, giảm thuế TTĐB, thuế GTGT sẽ tác động trực tiếp làm giảm giá bán xăng, dầu, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước. Qua đó, sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023.

Đối với người dân, đây là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế TTĐB đối với xăng, giảm thuế GTGT đối với xăng, dầu sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.

Đối với các ngành sản xuất cũng như các DN có sử dụng xăng, dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng, dầu... sẽ được hưởng lợi nhiều.

Đối với các ngành sản xuất cũng như các DN có sử dụng xăng, dầu là đầu vào của hoạt động sản xuất như giao thông vận tải, vận chuyển, đánh bắt thủy sản, dịch vụ khí đốt, sản xuất hóa chất có sử dụng nguyên liệu từ xăng, dầu... sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế TTĐB đối với xăng, giảm thuế GTGT đối với xăng, dầu sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.