Giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT: Sức bật để học thật, thi thật

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GD&ĐT giao cho các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT, để có sự chủ động về ngày thi, giờ thi, đề thi.

Tổ chức thi nhiều đợt, đề thi đồng nhất trong các địa phương sẽ hỗ trợ được cho các trường đại học khi tuyển sinh. Ảnh: Phương Nga
Băn khoăn địa phương khó đảm nhiệm
Trước kiến nghị của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, một số chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 nhiều đợt. Những địa phương có Covid-19, số học sinh phải cách ly nhiều thì sẽ thi riêng, cũng giống như năm 2020. Hơn nữa, vài năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được giao cho các địa phương tổ chức, Bộ GD&ĐT chỉ lo làm khâu ra đề thi. Từ thực tế này, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT Lê Viết Khuyến cho rằng: “Về lâu dài, việc phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là đúng. Nhưng hiện nay, không phải địa phương nào cũng làm được đề thi, xây dựng barem thang điểm. Nếu địa phương nào cũng làm đề thi thì chất lượng không đảm bảo, tốn kém kinh phí, thiếu sự chia sẻ. Về phía trường ĐH xét tuyển ĐH theo kết quả thi của từng tỉnh sẽ rất nhiêu khê” – ông Lê Viết Khuyến phân tích và cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn nên được tổ chức như hiện nay để có độ an toàn và chống được bệnh thành tích.

Hiệu trưởng một số trường THPT cũng cho rằng, nếu mỗi địa phương đều tổ chức kỳ thi gồm cả ra đề thi có độ khó – dễ khác nhau sẽ không đánh giá được đúng yêu cầu, cho dù Bộ GD&ĐT có ra quy chế, quy định. Đó là chưa nói tới, rất có thể có sai sót trong khâu ra đề thi. “Bộ GD&ĐT đã thông tin, tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ tổ chức thi nhiều đợt vẫn đảm bảo nghiêm túc; đề thi đồng nhất trong các địa phương sẽ hỗ trợ được cho các trường ĐH tuyển sinh. Tôi ủng hộ phương án Bộ GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT” – Hiệu trưởng trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Hoàng Văn Phú nêu quan điểm.

Một số chuyên gia ĐH cho rằng, nếu từng địa phương như TP Hồ Chí Minh được giao tổ chức kỳ thi sẽ làm trường ĐH lúng túng dẫn đến thí sinh sẽ bị thiệt thòi. “Không vì dịch bệnh mà Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh vội vàng tính ngay đến việc này; rất cần bình tĩnh, ít nhất là đến hết năm nay, để các trường ĐH có thời gian chuẩn bị. Hơn nữa, đề án tuyển sinh của các trường ĐH, số chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi THPT đã được công bố. Không phải thí sinh nào cũng tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, như thế làm mất cơ hội xét tuyển ĐH của các em” – PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay.

Bộ GD&ĐT mạnh dạn giao cho TP Hồ Chí Minh thí điểm

Bàn luận về câu chuyện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất được tự tổ chức kiểm tra, đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình, bởi mặt bằng phát triển giáo dục ở địa phương này cao nên họ muốn chủ động thời gian tổ chức thi, tự ra đề thi sáng tạo và phù hợp với năng lực của học sinh là hoàn toàn hợp lý. Từ kết quả thi sẽ biết được chất lượng giáo dục của học sinh TP, để có những đổi mới phù hợp trong hoạt động dạy – học.

Với kiến nghị của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình cho là hay, Bộ GD&ĐT cũng nên suy nghĩ và để hướng tới việc học thật, thi thật và nhân tài thật. “Mặt bằng về giáo dục chung trong cả nước khá chênh lệch giữa các vùng miền, địa phương. Khi học sinh thi chung một đề thi tốt nghiệp THPT có những mặt được và hạn chế. Tuy nhiên, bây giờ chưa nên thay đổi trong tất cả các địa phương mà cần có chủ trương, thời gian và lộ trình, tính toán giảm thiểu tác động của sự thay đổi tới học sinh, phụ huynh, việc dạy và học...”

TS Nguyễn Tùng Lâm – Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục – đào tạo cũng đồng quan điểm giao đánh giá tốt nghiệp THPT cho các tỉnh, TP là phương hướng lâu dài, cần thiết. Các địa phương được chủ động ngày thi, giờ thi, ra đề thi phù hợp với năng lực của học sinh. Nhưng nếu dỡ ra cho tất cả các địa phương làm ngay trong khi thiếu cơ chế, định hướng sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Về phía các chuyên gia cũng đề nghị, khi đã giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương tổ chức, Bộ GD&ĐT nên để họ đảm nhiệm cả việc ra đề thi cho phù hợp với năng lực học sinh. Việc của Bộ GD&ĐT là quy định mức sàn yêu cầu của đề thi; tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, TP theo những chuẩn quốc tế. Đó chính là sự cạnh tranh lành mạnh, sức bật hướng đến học thật, thi thật và nhân tài thật, như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh.

Một vấn đề cũng được các chuyên gia giáo dục nêu rõ, kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp. Các trường ĐH cần chủ động trong công tác xét tuyển bằng việc tự tổ chức kỳ thi riêng hoặc trung tâm khảo thí tổ chức thi cho trường ĐH sử dụng kết quả. Nhưng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang hết sức căng thẳng, chúng ta cần nghĩ đến phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 bảo đảm an toàn, vừa đánh giá được học sinh khi học hết chương trình THPT, vừa phục vụ xét tuyển ĐH.
Trong tình hình dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT có thể mạnh dạn giao cho TP Hồ Chí Minh làm thí điểm. Nhưng Bộ phải có quy định rõ ràng về mục tiêu, quy chế, đặc biệt là giám sát chất lượng ra đề thi vừa bảo đảm quy định chung nhưng cũng thể hiện nét riêng, đổi mới mà TP Hồ Chí Minh muốn gửi gắm vào đó. Đồng thời phải chú ý đến quyền lợi của học sinh, đó là bài toán rất khó.

TS Nguyễn Tùng Lâm