Giết mổ nhỏ lẻ vẫn khó kiểm soát

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc còn tồn tại tới hơn 1.000 cơ sở giết mổ (CSGM) nhỏ lẻ ở các huyện ngoại thành khiến cho việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và ATTP trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn.

Chưa thể kiểm soát
Từ nhiều năm nay, vấn đề kiểm soát giết mổ, xóa bỏ giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trong khu dân cư đã được đặt ra với TP Hà Nội khi vấn đề ATTP ngày càng trở nên nhức nhối. Dù đã có chuyển biến bước đầu, song phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý giết mổ vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội cho thấy, toàn TP có 1.074 CSGM trong đó chỉ có 99 CSGM công nghiệp, bán công nghiệp, tập trung thủ công đủ điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh ATTP. Số còn lại là CSGM gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, gây khó khăn cho công tác kiểm soát và quản lý ATTP.

Giết mổ gia cầm tại cơ sở Lan Vinh, huyện Gia Lâm. Ảnh: Minh Thắng

Điều đáng nói là số CSGM công nghiệp, bán công nghiệp dù tồn tại nhưng hoạt động khá cầm chừng. Cụ thể, hiện nay, toàn TP có 7 CSGM công nghiệp nhưng chỉ có 4 cơ sở đang hoạt động đạt 15 - 30% công suất thiết kế. Ông Đào Quang Vinh – Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vinh Anh cho biết, lò mổ của Công ty có công suất giết mổ khoảng 1.000 con/ngày với hệ thống dây chuyền bán tự động. Ngoài ra, Công ty còn có hệ thống kho mát, xưởng sơ chế, đóng gói, kho trữ đông với tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện trạng giết mổ của nhà máy mỗi ngày trung bình chỉ đạt khoảng 80 - 100 con. “Điều này khiến cho chi phí khấu hao của CSGM lớn, hiệu quả kinh tế thấp” - ông Vinh chia sẻ.
Ông Đỗ Phú Sơn – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y cho biết, một ngày Hà Nội giết mổ hơn 10.000 con lợn, nhưng số được kiểm tra, giám sát giết mổ chỉ đạt hơn 4.000 con, còn lại hơn 6.000 con chưa được kiểm tra, chủ yếu bán tại các chợ. Trong khi đó, việc kiểm tra các sản phẩm động vật đưa vào tiêu thụ khi chưa đủ điều kiện đang gặp nhiều khó khăn. Hiện mới có duy nhất huyện Thanh Trì không còn CSGM nhỏ lẻ, các huyện khác chưa có điểm giết mổ tập trung nên giết mổ nhỏ lẻ còn lớn. Đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và ATTP.
Giết mổ gắn với đầu ra
Có thể nói, với việc tỷ lệ sản phẩm gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ và đảm bảo ATTP từ 12% năm 2012 được nâng lên mức 47% vào năm 2016 đã cho thấy nỗ lực đáng kể của Hà Nội trong kiểm soát giết mổ. Mặc dù vậy, so với yêu cầu thực tiễn, tỷ lệ này vẫn còn thấp và thua kém nhiều địa phương khác, như TP Hồ Chí Minh kiểm soát giết mổ đạt trên 90%. Một trong những nguyên nhân chính là việc chỉ đạo quản lý giết mổ trên địa bàn một số huyện, thị xã còn thiếu quyết liệt, xử lý vi phạm chưa triệt để và nghiêm minh, nhất là đối với giết mổ nhỏ lẻ.
Vấn đề là từ năm 2012, TP đã có Quy hoạch hệ thống CSGM, chế biến gia súc, gia cầm đến năm 2020 với 11 điểm giết mổ công nghiệp và 38 điểm giết mổ thủ công tập trung. Song đến nay, vẫn còn 31 điểm giết mổ theo Quy hoạch chưa được triển khai. Nguyên nhân là do việc bố trí địa điểm xây dựng CSGM chưa phù hợp với quy hoạch nông thôn mới, rồi khó khăn về quỹ đất, vốn, GPMB... Bên cạnh đó, các CSGM công nghiệp còn thiếu chủ động, linh hoạt trong việc liên kết tìm nguồn cung cấp động vật cho giết mổ và đầu ra cho sản phẩm. Hầu hết các cơ sở chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng chia sẻ, nhiệm vụ quan trọng năm 2017 của ngành là kiểm soát chặt giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là CSGM tự do không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời tập trung xây dựng các chuỗi liên kết khép kín, gắn CSGM với các hộ chăn nuôi quy mô lớn và hệ thống tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Đăng, hoạt động giết mổ phải gắn với chế biến và tiêu dùng, có đầu ra cho sản phẩm mới đạt hiệu quả bền vững.