Giới trẻ viết lại câu chuyện văn hóa cổ truyền

Nguyễn Hưng – H.An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nhóm nghiên cứu trẻ đang đi tiên phong trong việc gợi nhớ Tết cổ truyền, giữ gìn di sản truyền thống. Họ làm việc tâm huyết, không vì lợi nhuận. Họ là thành viên của những nhóm: Đình làng Việt, Chèo 48h -Tôi chèo về quê hương, Đại Việt Cổ Phong, S.River…

Trở về không gian Tết đình làng
“Có lẽ bất cứ ai đã từng trải qua một tuổi thơ thời bao cấp khó khăn đều bồi hồi mỗi khi nhớ lại những niềm vui đặc biệt khi Tết đến Xuân về. Năm nay, Đình làng Việt phối hợp với Nhóm Đình làng So tổ chức chương trình “Tết Việt” Xuân Mậu Tuất 2018. Chương trình diễn ra tại không gian đình làng So (Quốc Oai), nơi gắn kết cộng đồng đang bị lãng quên” – họa sĩ Nguyễn Đức Bình – Trưởng nhóm Đình làng Việt tâm sự.
Đại diện nhóm Đại Việt Cổ Phong (trái) ra mắt bức tranh cổ được vẽ lại - một sản phẩm của nhóm. Ảnh: Nguyễn Hưng
Đến với đình làng So, đón “Tết Việt” Xuân Mậu Tuất 2018 người dân sẽ hiểu được quy trình giã giò bằng tay, mài mực viết thư pháp và không khí cả làng ngồi quây quần nấu bánh chưng Tết. Những hoạt động đón Tết vốn thân thuộc với người Việt nhưng bắt đầu trở nên xa lạ với cuộc sống đô thị nhộn nhịp. Đặc biệt, một không gian văn hóa cộng đồng mang đậm nét xưa như: Trình diễn áo dài nam truyền thống, chiếu chèo giữa sân đình cũng được tổ chức để đón Xuân. 100% kinh phí thực hiện chương trình đều do các hội viên của nhóm đóng góp.

"Tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị, yêu văn hóa của những bạn trẻ. Các hoạt động giữ gìn di sản này không chỉ thu hút những đóng góp về chuyên môn, mà còn kích thích mọi người suy nghĩ và chia sẻ." - Nhà sử học Dương Trung Quốc
Không chỉ dừng lại ở tổ chức một sự kiện “Tết Việt” đón Xuân Mậu Tuất 2018, từ năm 2014, những hoạt động của nhóm Đình làng Việt trở thành “cứu tinh” cho ngành di sản ở góc độ truyền thông. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình (nay được biết đến với danh xưng “sáng lập viên”, “trưởng thôn” Đình làng Việt) mở nhóm Đình làng Việt để tụ hội các chuyên gia bảo tồn, nghiên cứu mỹ thuật, di sản; phóng viên theo dõi di sản và những người yêu di sản. Những hoạt động đầu tiên của Đình làng Việt trên Facebook là... kêu cứu. Nhờ mạng xã hội, những người yêu di sản ở khắp mọi miền đều có thể đăng tải những diễn biến của di tích mình đi qua hoặc của địa phương mình. Đình làng Việt đã tự xác lập vị thế “giám sát” của mình và làm việc đầy hiệu quả.

Những dự án đa dạng, sáng tạo

Khác với nhóm Đình làng Việt, nhóm Đại Việt Cổ Phong đang tạo được dấu ấn với dự án “Hoa văn Đại Việt” nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà chuyên môn. Đây là dự án số hóa hoa văn truyền thống của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và đưa vào ứng dụng thực tiễn. Những nhà nghiên cứu, họa sĩ như Trần Quang Đức, Nguyễn Mạnh Đức và các thành viên của Đại Việt Cổ Phong đã phục dựng được các hoa văn gần như biến mất. Những hoa văn từ thời Lý, Trần… vẽ lại theo công nghệ vector và được tải lên website để những người có nhu cầu sử dụng có thể dùng. Dự án “Hoa văn Đại Việt” được thực hiện bằng cách gây quỹ cộng đồng. Dự kiến, kinh phí khoảng 100 triệu đồng nhưng khi gây quỹ cộng đồng, nhóm đã đạt được số quỹ lên tới 200 triệu đồng. Hiện nay, nhóm Đại Việt Cổ Phong đã thu hút được hơn 14.000 người theo dõi từ khắp mọi miền đất nước và cả các bạn trẻ nước ngoài.

Trong các nhóm tập hợp những gương mặt trẻ thực hiện các dự án di sản truyền thống vì cộng đồng còn phải kể đến “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” với hàng loạt chương trình trải nghiệm sáng tạo như: “Không gian nguồn cội”, “Young Culture day”, “Về nguồn”, “Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể”, “Gala Tôi chèo về quê hương”... Bên cạnh đó, còn phải kể đến nhóm Nguyên Phong Đoạn Lĩnh với thành quả phỏng dựng lại trang phục của công chúa Mỹ Lương (con gái vua Dục Đức), nhóm S.River vừa gây ấn tượng với dự án số hóa tranh dân gian Hàng Trống để bảo tồn. Trong tương lai, sẽ không chỉ có 5 nhóm đại diện cho người trẻ viết lại câu chuyện văn hóa cổ truyền, mà sẽ có nhiều tấm lòng cùng hướng về cội nguồn như thế.