Giữ “nếp làng” trong lòng phố

Mộc Miên
Chia sẻ Zalo

Trái ngược với dáng vóc hiện đại của những ngôi nhà cao tầng, trong không gian Hà Nội vẫn lưu giữ nếp làng qua các mùa lễ hội như một nốt trầm giữa bản nhạc đời sống phố thị.

Điệu múa Con đĩ đánh bồng là nét độc đáo nhất trong lễ hội làng Triều Khúc. Ảnh: Khánh Huy
Điệu múa Con đĩ đánh bồng là nét độc đáo nhất trong lễ hội làng Triều Khúc. Ảnh: Khánh Huy

Ngày 15/3 (tức 6/2 âm lịch), tại cụm di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tưng bừng tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm 1.984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Tiếng trống hội vang khắp ngõ phố, mỗi năm đến hội, người dân khu phố và những người con đi làm xa lại nhắc nhở nhau về dự lễ. Kể từ năm 2020, cụm di tích đền, chùa, đình Hai Bà Trưng được công nhận Cụm di tích Quốc gia đặc biệt, quy mô tổ chức lễ hội lớn hơn, trọng thể hơn.

Đây là dịp tưởng nhớ công ơn lớn lao của Hai Bà Trưng và các danh tướng, nghĩa sĩ, khắp cả nước. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng từng được mệnh danh là cuộc khởi nghĩa làm chấn động cõi trời Nam, đến nay vẫn được nhắc tới là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo.

Năm 2019, lễ hội chùa Láng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Nhằm phát huy hơn vai trò của di sản với công tác giáo dục truyền thống tới các thế hệ, năm 2023, lễ hội chùa Láng (tổ chức ngày 7/3 âm lịch hàng năm) lần đầu tiên được phục dựng đầy đủ các nghi thức truyền thống. Nổi bật là nghi thức: Độ hà, Đấu thần, Hội trận… là những nghi thức độc nhất vô nhị trong kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan.

Những ngày đầu xuân, lễ hội làng Triều Khúc (quận Thanh Trì, Hà Nội) với nét độc đáo của điệu múa Con đĩ đánh bồng là một trong số hội làng được chú ý nhất hiện nay. Cứ đến ngày 9/1 âm lịch, ngoài phần nghi thức truyền thống, tiết mục Con đĩ đánh bồng - điệu múa cổ đất Thăng Long trình diễn giữa lòng phố được đánh giá là điểm nhấn ấn tượng nhất khi giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Hình ảnh trai làng Triều Khúc tô son, điểm phấn uyển chuyển trong bộ quần áo mớ ba mớ bẩy, miệng cười, ánh mắt đong đưa, tay vỗ trống bồng có sức cuốn hút đến kỳ lạ. Đến nay, điệu múa Con đĩ đánh bồng được đánh thức trong các mùa lễ hội du lịch Thủ đô, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống đất kinh kỳ.

Thống kê hiện nay, khu vực nội thành có 221 lễ hội truyền thống rải khắp 12 quận. Trong đó có 9/19 lễ hội truyền thống được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như lễ hội làng Lệ Mật, đình Trường Lâm (quận Long Biên), hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ), lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa),…

Việc giữ lại nét độc đáo của lễ hội truyền thống là chủ trương của ngành văn hóa TP Hà Nội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Thăng Long, tạo nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.