Gỡ khó khi Nhà hát Lớn Hà Nội mở cửa đón khách

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 8 tháng sau chủ trương biểu diễn các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tình hình bán vé không mấy khả quan.

Tháng 6/2017, Bộ VHTT&DL tiếp tục chủ trương biến nơi đây thành điểm du lịch. Làm sao để Nhà hát Lớn hấp dẫn du khách sẽ là một vấn đề cần các đơn vị thuộc Bộ hành động, thay vì hy vọng những mệnh lệnh hành chính.

Thực hiện tour thế nào?

Theo chủ trương mở cửa đón khách du lịch của Bộ VHTT&DL, Ban Quản lý (BQL) Nhà hát Lớn Hà Nội xây dựng 2 gói sản phẩm. Gói thứ nhất là tham quan Nhà hát và xem biểu diễn nghệ thuật. Gói thứ hai chỉ tham quan. Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Giám đốc Nhà hát: “Giá vé cho các gói sản phẩm chưa được chốt. Chúng tôi còn phải bàn thảo với Tổng cục Du lịch thêm vài lần nữa thì mới đưa ra thông tin chính thức. Nhưng chắc chắn tất cả các công việc từ hoạt động cho đến giá vé đều phải xong trước cuối tháng 5, để tháng 6 dự án mở cửa đón khách du lịch của Nhà hát có thể hoạt động”.

Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Hiện nay, Bộ VHTT&DL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng 3 chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp với sự phối hợp biểu diễn của các nhà hát: Ca múa nhạc Việt Nam, Tuồng Việt Nam, Đương đại Việt Nam. Tổng cục Du lịch có trách nhiệm đưa khách du lịch tới Nhà hát Lớn Hà Nội; Trưng bày tranh ảnh và giới thiệu các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam. BQL Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ đảm nhận việc đón tiếp, trưng bày, giới thiệu, quà tặng lưu niệm, bán vé. Phần việc đã rõ ràng, nhưng liệu chủ trương của Bộ có thật sự hấp dẫn du khách, đó cũng là lo ngại của nhiều đơn vị lữ hành.

Thực tế, tháng 8/2016, Bộ VHTT&DL chủ trương đưa chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn. Trải qua gần một năm thực hiện, các chương trình vẫn được lên kịch mục, nhưng rõ ràng mục tiêu dự án này mới đạt tiêu chí Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ mở cửa đón các chương trình nghệ thuật chất lượng, chưa đạt mục tiêu kinh tế. “Mục đích của đợt diễn này chủ yếu vẫn giới thiệu tác phẩm trong kết cấu chương trình có uy tín. Khán giả chưa quen với việc mua vé, đặc biệt là vé giá cao cho các chương trình sân khấu, nên kết quả chưa được như mong đợi” - NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết. Nếu như thời kỳ mới có chủ trương, nhiều vở được in giá vé 1 triệu đồng, thì đến tháng 5/2017 đã được hạ xuống từ 200.000 - 500.000 đồng. Mức giá khá mềm này không thúc đẩy tốc độ bán vé. Nhà hát Chèo Việt Nam chưa bán được 100 vé vì 2 vở “Súy Vân”, “Dây tràng hạt diệu kỳ” tới cuối tháng 5 mới diễn. Bằng chứng này là một trong những cản trở cho kế hoạch tiếp theo của Bộ VHTT&DL.

Kết nối các điểm di sản

Đại diện Công ty lữ hành Hanoitourist, Viet Travel đề xuất để thu hút du khách tham quan Nhà hát Lớn cần kết nối Nhà hát trong một tour văn hóa. Tour văn hóa ở đây là các công trình kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (vốn được coi là bảo tàng đầu tiên của Hà Nội), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... Đây đều là những công trình mang giá trị di sản lớn, được xây dựng trước những năm 1930. Bên cạnh đó, trong nội dung chương trình (thuyết minh, hình ảnh...), cần đặt Nhà hát Lớn Hà Nội trong mối tương quan với Nhà hát Opéra Garnier (Paris, Pháp) và các Nhà hát Lớn ở các TP khác của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…

Bắt đầu từ năm 2017, các nhà hát có vở biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ phải chủ động chung tay với BQL Nhà hát Lớn lo phát hành vé cho mỗi vở diễn. Nhà hát Cải lương Việt Nam , Nhà hát Chèo Việt Nam … thừa nhận, quảng bá tác phẩm là điểm yếu của các đơn vị này. Ngược lại, ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thì tự tin vì đơn vị luôn có kênh riêng để bán vé và nguồn khách riêng. Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để nghệ thuật và du lịch có thể bắt tay được với nhau không chỉ phụ thuộc vào khả năng quảng bá tác phẩm, mà như bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, từ giữa năm 2017, các tác phẩm biểu diễn sẽ được tổng duyệt với sự tham gia góp ý của các công ty lữ hành trước khi đi vào phục vụ du khách. “Các đơn vị du lịch sẽ hiểu du khách họ cần gì ở vở diễn để góp ý với các đơn vị nghệ thuật” – bà Hương nhấn mạnh. Những dự án mang tính kết hợp này hy vọng sẽ là nút thắt giúp cho Nhà hát Lớn Hà Nội không chỉ trở thành một địa điểm văn hóa mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn.