Gỡ vướng để phát triển du lịch cộng đồng tại Ba Vì

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau đợt khảo sát thực tế tại 3 xã: Vân Hòa, Ba Trại, Ba Vì nhằm triển khai thực hiện...

Kinhtedothi - Sau đợt khảo sát thực tế tại 3 xã: Vân Hòa, Ba Trại, Ba Vì nhằm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng khu vực Ba Vì", các nhà quản lý du lịch Thủ đô đã đưa ra nhiều giải pháp để gỡ khó cho vùng đất giàu tiềm năng du lịch này, trong đó, vấn đề giao thông và đào tạo con người được đặt lên hàng đầu.

Trăm “cái khó”

Theo nhận định của giới chuyên môn, Ba Vì có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, nhưng để hiện thực hóa còn rất nhiều chông gai. Như chia sẻ của ông Hùng - một người dân xã Ba Trại: "Dù có cảnh quan đẹp với những vườn chè bao quanh các nhà cổ trên diện tích 500ha, chất lượng chè không thua kém chè Thái Nguyên nhưng do chưa có thương hiệu nên khách du lịch không biết đến vùng trồng chè Ba Trại. Trong khi đó, vấn đề xây dựng thương hiệu lại vô cùng khó khăn". Và theo Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Đình Hồng, cả xã có khoảng 30.000 con bò, cho khoảng 18 tấn sữa mỗi ngày, nhưng đến nay vẫn chưa có mô hình chăn nuôi bò sữa kiểu mẫu do các hộ không có kinh phí đầu tư. Chính vì thế, vấn đề VSMT chưa đảm bảo, không tạo được thiện cảm cho du khách. Mặt khác, do các sản phẩm sữa chưa đa dạng, các hộ gia đình chủ yếu chỉ bán sữa tươi nên không kích thích du khách chi tiêu. Trên địa bàn xã Vân Hòa có rất nhiều khu du lịch như: Khoang Xanh, Thiên Sơn - Suối Ngà, Thác Đa, trang trại Đồng Quê Ba Vì, Long Việt… nhưng chưa có sự kết nối các điểm đến, khách chủ yếu chỉ tới một địa điểm để vui chơi, nghỉ dưỡng.

 
Du khách thưởng thức điệu múa truyền thống tại Đình Làng Rùa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Ảnh: Hồng Hạnh
Du khách thưởng thức điệu múa truyền thống tại Đình Làng Rùa, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Ảnh: Hồng Hạnh
Còn ở xã Ba Vì - nơi có trên 90% dân số là người Dao, trong đó, hơn 80% hộ gia đình làm nghề thuốc Nam, có trang phục đặc sắc, tiếng nói, chữ viết riêng…, song đa số người dân vừa thiếu kỹ năng giao tiếp, vừa không biết cách trang trí, dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt, các loại thuốc Nam rất có tác dụng với sức khỏe và chữa bệnh nhưng khâu đóng gói, làm bao bì lại quá sơ sài nên cũng chưa để lại ấn tượng cho du khách.

Một trong những rào cản lớn nhất khi phát triển du lịch cộng đồng ở 3 xã: Ba Trại, Ba Vì, Vân Hòa là vấn đề giao thông. Đường vào làng, xã chỉ đủ cho xe máy hoặc ô tô 4 - 7 chỗ di chuyển, nhiều đoạn đường chưa bê tông hóa, gây khó khăn cho các đoàn khách đông người. Mặt khác, theo chia sẻ của TS Ngô Kiều Oanh - Giám đốc Công ty TNHH ATC Việt Nam - Trang trại Đồng Quê Ba Vì: "Do Ba Vì chưa có tên trên bản đồ du lịch thế giới và chưa được các tạp chí, tổ chức du lịch uy tín thế giới quảng bá nên việc thu hút du khách cũng gặp nhiều khó khăn".

Nhiều việc phải làm

Để tháo gỡ những rào cản phát triển du lịch cộng đồng, Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch, Viện ĐH Mở Hà Nội Vũ An Dân - người soạn thảo thành công giáo trình dạy đồng bào Sa Pa làm du lịch trong 12 ngày, cho rằng: "Công tác đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu, có như vậy thì người dân mới hiểu ý nghĩa của làm du lịch cộng đồng và tham gia nhiệt tình". TS Ngô Kiều Oanh cũng cho hay: "Làm các sản phẩm từ sữa không khó, như việc nấu pho mát rất đơn giản, lại không phải đầu tư nhiều vốn, tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ này cho người dân nào có nhu cầu. Tôi cho rằng, tới đây, chúng ta cần đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi kiểu mẫu cho một chuỗi hộ nuôi bò sữa để tạo điểm tham quan đưa du khách đến. Mặt khác, các điểm đến ở xã Vân Hòa cũng cần có kế hoạch giới thiệu tới du khách về điểm đến khác để cùng trao đổi khách, vừa tránh lãng phí tiềm năng, vừa giúp khách không bị nhàm chán".

Về vấn đề xây dựng thương hiệu chè Ba Trại, Phó Trưởng phòng VHTT huyện Ba Vì Nguyễn Việt Giao bày tỏ: "Muốn tạo thương hiệu chè Ba Trại sẽ mất nhiều thời gian, người dân Ba Trại nên để nhãn logo chè Ba Vì, bởi thương hiệu này đã được người tiêu dùng biết tới, như vậy, khâu tiêu thụ sẽ dễ hơn. Mặt khác, nếu có một chuỗi cửa hàng bán chè dọc những cung đường du khách hay đi qua sẽ dễ thu hút sự quan tâm, kích thích khách mua đặc sản và cũng là cách quảng bá thương hiệu chè Ba Vì, Ba Trại".

Đó là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, Trưởng phòng VHTT huyện Ba Vì Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng: "Muốn đẩy mạnh phát triển du lịch Ba Vì nói chung, du lịch cộng đồng ở 3 xã: Ba Vì, Ba Trại, Vân Hòa nói riêng, phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, từ giao thông, xây dựng, môi trường, y tế… đến đào tạo con người. Do vậy, bên cạnh Đề án này, cần phải có Quy hoạch tổng thể phát triển Ba Vì thì mới có thể thực hiện hiệu quả và phát triển "ngành công nghiệp không khói" một cách bền vững". Bên cạnh đó, cần phải có Đề án xây dựng khu vực núi Ba Vì trở thành khu du lịch quốc gia để thu hút khách trong và ngoài nước".