Gỡ vướng khung chính sách để tận dụng phát triển năng lượng tái tạo

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện việc đàm phán hợp đồng mua bán điện còn khó khăn, do đó cần nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo, tận dụng tối đa tiềm năng điện gió ngoài khơi… để đảm bảo an ninh năng lương quốc gia.

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thức 3 với chủ đề “Phát triển hạ tầng điện khí và điện gió tại Việt Nam” do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 12/5 nhằm chia sẻ các cơ hội phát triển, các giải pháp trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Tận dụng tối đa tiềm năng

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thực hiện có hiệu quả quy hoạch điện trong thời gian tới, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo (NLTT) bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện tự sản tự tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Với tiềm năng của Petrovietnam sẽ  có thể phát điện gió ngoài khơi. Ảnh: Vương Thái
Với tiềm năng của Petrovietnam sẽ  có thể phát điện gió ngoài khơi. Ảnh: Vương Thái

Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế hợp đồng mua – bán điện trực tiếp  cũng như xây dựng chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện. Đồng thời, cần hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động cho đầu tư phát triển điện cũng như chính sách thu hút, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho biết, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đề xuất phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng trong nước (chuỗi khí – điện Lô B, Cá Voi Xanh) thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải nhà kính.

Trong đó, Việt Nam cần tận dụng tối đa tiềm năng điện gió ngoài khơi được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á. Dự án điện gió cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng lưới truyền tải và vận hành, bảo dưỡng cũng như sẵn sàng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng điện.

Bên cạnh đó, để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), theo Dự thảo quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển từ 14.900 – 22.400MW điện khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 và có thể tăng lên 32.400MW vào năm 2035.

“Chúng ta cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể kí hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là “chuỗi nhiên liệu” phức tạp, bao gồm cảng, kho, hệ thống tái hóa khí, đường ống, nhà máy điện và cuối cùng là cơ chế giá và sự huy động phát điện để đảm bảo hiệu quả chuỗi dự án” - ông Tạ Đình Thi nói.

Nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách

Đưa ra ý kiến của mình, Phó Trưởng Ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Cáp Tuấn Anh, việc phát triển các nguồn NLTT với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế hệ thống điện.

Cơ cấu nguồn điện nói chung và nguồn điện gió, khí nói riêng của giai đoạn 2030 đã được đơn vị tư vấn tính toán và cơ quan có thẩm quyền quyết định phù hợp với Quy hoạch điện VIII. EVN cam kết thực hiện nghiêm túc chương trình phát triển nguồn điện của EVN đến năm 2030 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

“Bên bán điện có xu hướng yêu cầu giá điện cao để tối đa hóa lợi nhuận, nhưng EVN chỉ có thể mua điện ở mức giá hợp lý và tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, có khoảng cách lớn giữa các yêu cầu của bên bán và khả năng đáp ứng của bên mua điện là EVN” Ông Cáp Tuấn Anh nêu rõ.

Vì vậy, cần thiết có các quy định rõ ràng của cấp có thẩm quyền để đáp ứng nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro của các bên tham gia mua, bán điện mà trong đó EVN là một bên tham gia.

Liên quan đến việc phát triển điện gió, điện khí thời gian qua, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Phạm Quang Huy cho rằng, hiện việc đàm phán hợp đồng mua bán điện còn khó khăn do các nhà máy đều mong muốn tỷ lệ cam kết sản lượng hợp đồng cao, để quản lý rủi rõ ít được huy động trên thị trường điện khi giá khí liên tục tăng cao.

Việc đàm phán sản lượng điện hợp đồng không đủ cao dẫn tới khó có khả năng vay vốn để thực hiện dự án và thu hồi chi phí cho chủ đầu tư. Ngoài ra, việc giảm thiểu rủi ro về giá của nhiên liệu khí có thể thực hiện bằng cách mua khí theo hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, luôn đi kèm với ràng buộc về sản lượng, trở thành một trong những vướng mắc ảnh hưởng tới việc đầu tư các nhà máy điện khí trong giai đoạn vừa qua.

“Để hướng tới mục tiêu thu hút thêm sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ năng lượng, cũng như tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia và đảm bảo cân bằng an toàn vận hành hệ thống, điều cần thiết là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung chính sách cũng như cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành năng lượng cho phù hợp với tình hình mới” - ông Phạm Quang Huy chỉ ra.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng gia tăng, nguồn nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho sản xuất điện trong nước ngày càng khan hiếm, an ninh năng lượng quốc gia là vấn đề cần được giải quyết với tầm nhìn dài hạn.

 

Sau Diễn đàn hôm nay, Ban tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan báo cáo tổng hợp đầy đủ các tham luận, phản biện, kiến nghị và đề xuất tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét, ban hành các quy định phù hợp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị, công nghệ cũng như các thành phần kinh tế, tổ chức tín dụng Việt Nam và quốc tế tạo điều kiện để khai thác các dự án năng lượng tái tạo phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu phát thải dòng bằng 0 vào năm 2050.