Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ: Hướng dẫn viên du lịch than khó tiếp cận

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặc thù của du lịch mang tính mùa vụ nên có tới 90% hướng dẫn viên (HDV) du lịch là lao động tự do, cộng tác với các công ty lữ hành nên rất khó có hợp đồng làm việc như theo quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.

 Hướng dẫn viên giới thiệu điểm du lịch Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Việt Linh
Hướng dẫn viên chuyển... bán hàng online

Nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/QĐ-TTg, quy định 12 nhóm đối tượng được thụ hưởng. Trong đó hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với HDV du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Nhiều HDV du lịch cho biết rất vui khi đón nhận thông tin này; vì 2 năm nay do Covid-19 nên không đi hướng dẫn được nhiều. HDV nội địa Nguyễn Viết Huy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, chúng em nghỉ đi tour vì có một số ca F0. Hiện giờ trong khi ngồi chờ dịch tạm ổn, em tập kinh doanh online các sản phẩm làm từ da (ví, cặp, túi, dây lưng,...) nhưng rất khó khăn do phải cạnh tranh. Kinh doanh chưa có lãi, nguồn sống của em dựa vào số tiền tích lũy trước đây nhưng đã cạn. Mới nghe tin thuộc đối tượng được Chính phủ hỗ trợ 3.710.000 đồng, chúng em vui lắm vì sẽ có thêm chi phí trong cuộc sống.

Tuy nhiên, nhiều HDV băn khoăn về 2 điều kiện được hưởng hỗ trợ là: Có thẻ HDV du lịch theo quy định của Luật Du lịch; có hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa... Với điều kiện thứ hai, nhiều HDV cho rằng không đáp ứng được. Bởi do đặc thù du lịch có mùa vụ nên các DN lữ hành tuyển rất ít HDV cơ hữu mà chủ yếu là ký hợp đồng ngắn hạn theo tour với HDV bên ngoài. Về phía HDV, để có công việc đều, họ cũng phải cộng tác với vài công ty du lịch nên không có hợp đồng làm việc giống như các loại hình DN khác.

Mong được chấp nhận hợp đồng làm việc theo tour

Chia sẻ về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội (Hanta) Trịnh Thị Mỹ Nghệ cho biết: “Đây là chính sách rất tốt, số tiền bao nhiêu cũng là quý và thể hiện sự quan tâm của Chính phủ. Bởi từ năm 2020 đến nay, HDV không có hoạt động hướng dẫn và đa phần là HDV tự do nên không được ai hỗ trợ. Khi Covid-19 bùng phát, không chỉ HDV mà rất nhiều người trong ngành du lịch phải chuyển sang làm bất động sản, bán báo hiểm, bán hàng online, đi giao hàng... Mọi người kỳ vọng việc thực thi chính sách hỗ trợ cho HDV một cách chuẩn chỉ và nhanh chóng”.

Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ cũng chỉ ra bất cập trong quy định điều kiện để HDV được hưởng hỗ trợ 3.710.000 đồng, đó là HDV phải có hợp đồng làm việc. Nhưng, các công ty du lịch không ký hợp đồng làm việc với HDV theo năm, mà ký họ đồng theo tour vài ngày. Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nên từ năm ngoái đến nay đã có rất nhiều công ty du lịch giải thể, HDV không thể xin được xác nhận đã làm việc. “Tôi nghĩ về mặt thủ tục cần có sự linh hoạt hơn để làm sao tiền hỗ trợ đến được đúng đối tượng, ví dụ như chỉ cần yêu cầu HDV có ký hợp đồng cộng tác với đơn vị. Chứ 2 năm nay, các HDV quốc tế không có khách thì không thể ký với công ty du lịch hợp đồng theo tour” – bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ đề nghị.

Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Việt Nam (Open tour) Phí Thị Hương Quỳnh cũng mong muốn chính sách hỗ trợ HDV nhanh được triển khai để họ có số vốn nhỏ làm ăn mới, giúp vượt qua khó khăn. Về phía Công ty Open tour có tổng số 150 nhân sự, giờ chỉ duy trì 15 – 20 người. Để chia sẻ với người lao động, trong giai đoạn đầu mùa dịch Công ty Open tour đã hỗ trợ lương 2.500.000 đồng/người/tháng. Lúc đầu, các HDV quốc tế được điều chuyển sang dẫn trong nước; nay dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở trong nước, họ chuyển qua bán thức ăn, thực phẩm chức năng... để lần hồi sống qua ngày.

Bà Phí Thị Hương Quỳnh cũng cho biết, do đặc thù du lịch nên Công ty Open tour chỉ có 1/10 HDV có hợp đồng lâu năm; số HDV còn lại làm partime, cộng tác viên. HDV cộng tác chỉ có hợp đồng sự vụ từng đoàn. Vì thế, theo bà Phí Thị Hương Quỳnh, rất cần linh hoạt trong quy định điều kiện để các HDV tự do được nhận hỗ trợ. Ví dụ: HDV chỉ cần trình được các hợp đồng đi tour trong 6 tháng (mỗi tháng 3 hợp đồng) đã chứng minh được họ là đối tượng làm nghề hướng dẫn lâu dài. Hoặc có xác nhận của công ty du lịch thuê HDV lâu dài để hỗ trợ lượng tour cố định thì cũng được xét duyệt.

Một vấn đề nữa cũng được những người làm du lịch đưa ra đó là, một số người có thẻ HDV nhưng không đi hướng dẫn mà làm ở vị trí khác trong công ty du lịch (văn phòng, hành chính...). Nếu chỉ căn cứ vào thẻ HDV và hợp đồng lao động thì khó xác định đúng ai là HDV đi hướng dẫn; ai là HDV tự do bị mất việc. Vì thế rất cần các sở, ngành, chính quyền địa phương phối hợp với DN để có sự rà soát thật kỹ để đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách nhân văn này.