Hà Đông chuyển đổi số trong an sinh xã hội đảm bảo an toàn, minh bạch

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là thiết thực và mang lại lợi ích cho đối tượng thụ hưởng. Sau gần 4 tháng triển khai thực hiện chuyển đổi số, quận Hà Đông đã có 92% đối tượng bảo trợ xã hội nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.

Đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ chuyển đổi số

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, ngày 7/2/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ký công văn gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn TP Hà Nội. Chia sẻ về việc thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho biết: Ngày 4/5/2023, UBND quận Hà Đông có công văn gửi tới các đơn vị liên quan và UBND các phường về triển khai thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà (áo đen) giới thiệu với phóng viên về những tiện lợi khi được nhận tiền trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng. Ảnh: Ngọc Bích. 
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (áo đen) giới thiệu với phóng viên về những tiện lợi khi được nhận tiền trợ cấp xã hội qua tài khoản ngân hàng. Ảnh: Ngọc Bích. 

Tháng 5 và 6/2023 là cao điểm của đợt vận động thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, UBND các phường gửi thông báo tới đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng về nội dung này và gửi phiếu rà soát tài khoản. Các phường đã tổ chức hội nghị và mời những người có công, đối tượng bảo trợ (người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng) và người được ủy quyền đến để thông tin về những lợi ích khi chuyển đổi số, thực hiện mở tài khoản ngân hàng miễn phí, cách thức đi rút tiền, cách sử dụng tiền qua chuyển khoản, quét mã QR,…

Về phía UBND quận Hà Đông đã đề nghị các ngân hàng có phòng giao dịch trên địa bàn quận thực hiện hai nội dung, để bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng. Cụ thể là, nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi về thủ tục mở tài khoản, ưu đãi phí dịch vụ thanh toán khi các khách hàng thuộc đối tượng hưởng chính sách xã hội lựa chọn mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn quận. Đồng thời nghiên cứu, áp dụng miễn phí dịch vụ chi trả đối với Phòng LĐTB&XH khi trích tài khoản của phòng mở tại đơn vị để chi trả trợ cấp cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn quận… Sau đó, UBND quận Hà Đông đã chọn 3 ngân hàng đồng ý giảm các loại phí bắt buộc (trừ phí duy trì tài khoản theo năm) để thực hiện chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

“Hà Đông không chọn một ngân hàng, vì còn căn cứ vào từng địa bàn có phòng giao dịch ngân hàng, cây ATM ở đó để thuận lợi cho người dân đi rút tiền. Ngân hàng nào có phòng giao dịch, cây ATM ở phường thì quận lựa chọn thực hiện chi trả trợ cấp, để người cao tuổi, người khuyết tật đi rút tiền được gần nhất” – bà Đỗ Thị Minh Loan cho hay.

Người cao tuổi, người khuyết tật rút tiền bất cứ lúc nào

Quận Hà Đông thực hiện chuyển đổi số, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt từ tháng 7/2023, theo cách làm dần dần và chắc chắn. Tháng đầu tiên có 2 phường (Phú Lãm, Hà Cầu) làm thí điểm, tháng sau có 5 – 6 phường và bây giờ 17/17 phường thực hiện. Quận Hà Đông đã có 92% trong tổng số 4.534 đối tượng bảo trợ xã hội nhận tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng; đặc biệt, 7 phường đạt 100% là Mộ Lao, Vạn Phúc, Yết Kiêu, Phú La, Hà Cầu, Phú Lãm, Phú Lương.

Chị Bùi Thị Thu Thảo thông tin: Thực hiện chuyển đổi số, phường Hà Cầu có  100% đối tượng bảo trợ xã hội nhận tiền trợ cấp qua tài khoản. Ảnh: Ngọc Bích. 
Chị Bùi Thị Thu Thảo thông tin: Thực hiện chuyển đổi số, phường Hà Cầu có  100% đối tượng bảo trợ xã hội nhận tiền trợ cấp qua tài khoản. Ảnh: Ngọc Bích. 

Theo lãnh đạo Phòng LĐTB&XH Hà Đông, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt mang tới nhiều lợi ích như đảm bảo an toàn trong chi trả; minh bạch sử dụng ngân sách, tiền hỗ trợ đến ngay được tay đối tượng. Thực hiện chuyển đổi số giảm bớt gánh nặng công việc cho cán bộ cấp phường và cấp phòng LĐTB&XH. Các đối tượng bảo trợ xã hội ra ngân hàng rút tiền trợ cấp bất cứ lúc nào trong giờ hành chính hoặc đến cây ATM, thay vì phải đến phường lĩnh trực tiếp trong 2 ngày cố định như trước đây.

Hà Cầu là phường đầu tiên của quận Hà Đông thực hiện thí điểm chuyển tiền trợ cấp vào tài khoản của các đối tượng bảo trợ xã hội. Bà Bùi Thị Thu Thảo là công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội phường Hà Cầu chia sẻ: Hà Cầu có 211 đối tượng bảo trợ xã hội. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tháng 7 phường bắt đầu thực hiện đã đạt 100% đối tượng bảo trợ xã hội và người được ủy quyền nhận tiền qua tài khoản.

Theo chị Thu Thảo, trước đây, cán bộ văn hóa – xã hội phường phải mất 5 ngày rà soát đối tượng và chi trả tiền trợ cấp. Nhưng kể từ khi thực hiện chuyển đổi số chỉ mất 1 ngày rà soát danh sách, giảm được 4 ngày để làm việc khác. Chị Thu Thảo rất tán thành việc trả tiền trợ cấp qua tài khoản, bởi nó là bước đột phá, không chỉ giảm được thời gian mà tránh được những sai sót.

Đối tượng thụ hưởng chính sách cũng như người được ủy quyền nhận chuyển khoản, lúc đầu cũng có những băn khoăn nhưng sau khi được cán bộ quận, phường giải thích, nhân viên ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản và hướng dẫn cách sử dụng thì thấy tiện lợi hơn. “Em là lao động chính trong gia đình, cả ngày phải đi làm mưu sinh. Chuyển đổi số thế này rất hữu hiệu, hàng tháng không phải đến phường xếp hàng chờ ký nhận tiền. Tiền từ ngân hàng chuyển vào tài khoản và mình kiểm tra được thông tin trong điện thoại bất cứ lúc nào” – chị Nguyễn Thị Thu Hà (tổ dân phố 4 Ngô Thì Nhậm, phường Hà Cầu) có con khuyết tật cho hay.

Quận Hà Đông phấn đấu đến cuối năm 2023 thực hiện chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội qua tài khoản ngân hàng đạt 100%. Đối với mảng người có công, các phường đã rà soát tài khoản ngân hàng. Trong tháng 10 này, Phòng LĐTB&XH quận Hà Đông sẽ hoàn thành rà soát toàn bộ tài khoản của 3.200 người có công và sẽ thực hiện chi trả qua tài khoản khi có hướng dẫn cụ thể về thanh toán, quyết toán, trợ cấp, phụ cấp của ngành dọc cấp trên.